Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty CP Đầu tư Sannam chỉ có vài công nhân làm việc.  ảnh: p.v

Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty CP Đầu tư Sannam chỉ có vài công nhân làm việc. ảnh: p.v

(HBĐT) - Ngày 25/5/2004, theo Quyết định số 934, UBND tỉnh cho phép Công ty CP Đầu tư Sanam thực hiện dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam Hòa Bình tại xã Phú Minh, Hợp Thành (Kỳ Sơn). Dự án có tổng mức đầu tư 56.550 triệu đồng, thời gian thực hiện từ năm 2004 – 2007. Mục tiêu xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, thu hút hơn 300 lao động địa phương.

 

Ngày 11/10/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1996 thu hồi 405,73 ha  đất tại 2 xã cho Công ty thuê. Theo dự án, diện tích xây dựng hạ tầng cơ sở và nhà máy chế biến rau quả sấy khô 102.000 m2, công suất 1.000 tấn/năm; xây dựng khu du lịch sinh thái 338.000 m2; trồng cây ăn quả, cây công nghiệp 3.617.305 m2. Năm 2007, dự án được khởi công xây dựng nhưng đến nay thực tế hoạt động không như mong đợi. Đầu tháng 7, chúng tôi đến trụ sở Công ty tại xã Phú Minh, quang cảnh khá vắng lặng. Cùng một người dân chở rau ngải cứu vào khu sản xuất, chúng tôi gặp 7 công nhân đang rửa loại rau này. Sau một tuần trở lại cùng đoàn công tác do Sở KH&ĐT chủ trì, chúng tôi được Giám đốc điều hành Nguyễn Công Luyện thông tin: Khi được giao đất, Công ty làm đường nội bộ, xây tường rào, nhà điều hành, nhà máy, trồng một số loại cây. Khó khăn hiện nay là dự án chưa được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Công ty mong được giãn tiến độ thực hiện dự án để điều chỉnh cho khả thi hơn.

 

Nhận xét về việc triển khai dự án, ông Đinh Trọng Tuấn, Trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn cho biết: Đây là dự án đầu tiên trên địa bàn huyện, sử dụng diện tích lớn nhưng tiến độ thực hiện đáng buồn. Mặc dù đã được giao đất từ lâu nhưng các hạng mục của dự án triển khai ít, không thấy mô hình trồng cây ăn quả. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh nhiều về vấn đề sử dụng đất của Công ty và đề nghị vị trí nào không sử dụng thu hồi giao lại cho địa phương.

 

Liên quan đến vấn đề sử dụng đất, bà Phạm Thị Mơ, Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT) cho biết: Diện tích đất đã bàn giao cho Công ty còn nhiều vướng mắc, mới chỉ ký hợp đồng thuê đất được một phần. 109 ha tại xã Hợp Thành vẫn chưa hoàn thành GPMB.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 30/8/2007, Sở TN&MT cùng các cơ quan liên quan lập biên bản bàn giao toàn bộ diện tích 405,73 ha cho Công ty triển khai dự án. Song, đến năm 2009 mới ký hợp đồng thuê 79.692,7 m2 để xây dựng nhà máy thực phẩm Sannam, diện tích còn lại chưa ký hợp đồng thuê đất. So với quyết định cho phép đầu tư của UBND tỉnh, dự án thực hiện chậm tiến độ. Đến nay, mới chỉ có khu chế biến rau quả sấy khô đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Diện tích được giao còn để hoang hóa, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Từ một dự án với quy mô đăng ký khá hoành tráng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương bị thu hồi đất nhưng sau hơn 10 năm vẫn dùng dằng, hoạt động cầm chừng. 

 

Bà Nguyễn Thị Sáng, Trưởng xóm Đồng Bài, xã Phú Minh cho biết: Xóm có 74 hộ, dự án đã thu hồi toàn bộ hơn 50 ha đất đồi của xóm. Cuộc sống của 331 nhân khẩu dựa vào 14 ha đất ruộng còn lại. Không còn đất để chăn nuôi trâu bò, nhà máy lại không tạo được việc làm nên hết vụ cấy, gặt, nhân dân phải bươn trải làm thuê tứ xứ.

 

Trước tình thế đặt ra, Công ty vừa có hồ sơ xin giãn tiến độ thực hiện Dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam; đề nghị được phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, Sở Xây dựng có ý kiến bằng văn bản do Phó Giám đốc Trần Tố Chinh ký nêu rõ: Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010 với tính chất là khu chế biến thực phẩm nằm ở phía hạ lưu hồ Đầm Bài kết hợp đầu tư khu du lịch và nghỉ dưỡng. Trong quá trình lập và trình thẩm định đồ án chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Công ty điều chỉnh phương án quy hoạch, thay đổi tính chất thành “nhà máy sản xuất và khu đô thị mới”. Việc này không đảm bảo quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Đầm Bài cung cấp nước cho nhà máy nước Vinaconex. Do đó, Sở không có cơ sở để thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch của Công ty.

 

Về việc giãn tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Căn cứ Luật Đầu tư năm 2014, việc giãn tiến độ chỉ thực hiện trong 2 năm và để hoàn thành dự án chứ không phải để bắt đầu triển khai. Hết thời hạn, nếu không thực hiện được sẽ thu hồi. Song, với sự dùng dằng như hiện nay nếu có giãn, Công ty cũng khó hoàn thiện được.

 

Xung quanh dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam đã bộc lộ những hạn chế của cả chủ đầu tư và cơ quan chức năng, vi phạm Luật Đất đai năm 2013. Nhân dân bị thu hồi đất mong dự án hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Song, đến nay, họ đặt câu hỏi dự án “treo” đến bao giờ? Cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần tích cực, chủ động vào cuộc để tháo gỡ, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, thất thu ngân sách Nhà nước.

                                                                                                        

 

                                                                   Cẩm Lệ

 

Điều 38, Luật Đất đai năm 2013 - Các trường hợp thu hồi đất: “… Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.”  

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục