(HBĐT) - Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT: Cần thực hiện chặt chẽ nguyên tắc "4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây chè. Bởi đây là loại cây thường xuyên phải sử dụng thuốc BVTV, lại được thu hái liên tục nhiều lứa trong năm nên nhất thiết phải quản lý tốt quá trình sản xuất, đặc biệt là khâu sử dụng thuốc BVTV để sản phẩm chè thương phẩm không bị tồn dư các hóa chất độc hại.


Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật nhấn mạnh: Nội dung, yêu cầu quan trọng nhất trong sử dụng thuốc BVTV trên cây chè là việc tuân thủ nguyên tắc "4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách). Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện được chặt chẽ nguyên tắc "4 đúng” không dễ, đòi hỏi kiến thức của người sử dụng, tâm huyết và đạo đức của người bán hàng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, hiệu quả của công tác tập huấn và tuyên truyền... Riêng đối với người sản xuất, theo tôi, cùng với việc tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng vật tư nông nghiệp, cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng thuốc đã được Bộ NN&PTNT quy định, từng bước chuyển sang sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc để giúp cây trồng tránh được sâu bệnh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về ATTP và hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững.


Tuân thủ đúng thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc BVTV trên cây chè, người dân xóm Pà Háng, xã Pà Cò (Mai Châu) mới thu hái chè, đảm bảo VSATTP.

Theo thông tin từ Cục BVTV - Bộ NN&PTNT: Những tháng đầu năm 2018, đã có 4 lô hàng chè đen của Việt Nam nhập khẩu vào EU phát hiện dư lượng thuốc BVTV với các nhóm thuốc: Acetamimprid, Imidacloprid, Etofenprox, Tolfenpyrad, Dinotefuran không đảm bảo ATTP theo quy định của EU. Kết quả thanh tra đột xuất cuối năm 2017 của Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, nhiều nơi sử dụng các loại thuốc BVTV không được phép sử dụng trên cây chè.

Đề cập đến diễn biến này, tại Công văn số 493/SNN-TT&BVTV vừa được gửi đến UBND các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT khuyến cáo: Với đặc điểm thu hái liên tục nhiều lứa trong năm, mặt khác, chè là loại cây bị nhiều loài sinh vật gây hại nên thường xuyên phải sử dụng thuốc BVTV. Do vậy, nếu không quản lý tốt trong quá trình sản xuất thì sản phẩm chè thương phẩm rất dễ tồn dư các hóa chất độc hại. Khi sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất chè, nhất thiết cần thực hiện chặt chẽ nguyên tắc "4 đúng” để đảm bảo hiệu quả sản xuất và cho ra đời nguồn nguyên liệu chè đáp ứng tốt các yêu cầu về ATTP. Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố trong thời gian tới cần tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất chè, nhất là tại các vùng trồng chè trọng điểm và các cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. Đặc biệt chú ý các hành vi vi phạm như: sử dụng các loại thuốc BVTV không được phép dùng trên cây chè, không đảm bảo thời gian cách ly sau sử dụng thuốc, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng không đúng quy định... Đối với các cơ sở sản xuất, chế biến chè, Sở NN&PTNT đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt việc chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV được phép dùng trên cây chè theo quy định của Bộ NN&PTNT; thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký đồng ruộng về thời điểm xử lý thuốc, loại thuốc sử dụng và tuân thủ nghiêm thời gian cách ly sau xử lý thuốc; chủ động phân tích mẫu sản phẩm để đánh giá mức độ tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, loại trừ sự tái nhiễm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 1.120 ha chè kinh doanh, tập trung chủ yếu tại các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc, Mai Châu... Trong đó, các giống chè có năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, Kim Tuyền... được trồng chủ yếu tại Lạc Thủy, Yên Thủy, chiếm khoảng 65%; chè Shan tuyết được trồng chủ yếu tại Mai Châu, Đà Bắc, chiếm khoảng 20%; còn lại là diện tích chè giống trung du lá nhỏ. Nhìn chung, diện tích chè chủ yếu được trồng trong các vùng quy hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 33,7 tạ/ha, sản lượng hàng năm khoảng 4.188 tấn. Trong chế biến chè nguyên liệu, sản lượng tiêu thụ khoảng 300-800 tấn sản phẩm/năm, doanh thu sản xuất chè nguyên liệu cho chế biến đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất, chế biến chè hoạt động khá hiệu quả, cung ứng các sản phẩm chè thương phẩm được thị trường ưa chuộng như chè xanh, chè đen, chè hương, Shan tuyết... Các cơ sở này đã được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong chế biến chè, sản phẩm chủ yếu được cung cấp sang thị trường Đài Loan và Trung Đông (chiếm 60% sản lượng chè của tỉnh), sản lượng còn lại phục vụ tiêu thụ trong nước.

Thực hiện Công văn số 493/SNN-TT&BVTV của Sở NN&PTNT về việc tăng cường quản lý việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất chè. Sau khi rà soát danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Chi cục TT&BVTV đã ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên chè năm 2018. Danh mục được cập nhật trên website của Chi cục TT&BVTV: http://trongtrotvabaovethucvat.hoabinh.gov.vn.

 

Thu Trang

Các tin khác


Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Thời tiết ngày 19/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/4, nhiều vùng trên cả nước đều có nắng nóng, riêng miền Trung có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối khả năng có mưa rào và giông vài nơi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục