Để đạt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa 25% vào năm 2020, UBND tỉnh xác định hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh phải có 14 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II (nâng cấp đô thị TP Hòa Bình, hiện nay là đô thị loại III), 2 đô thị loại IV (nâng cấp đô thị Lương Sơn và Mai Châu, hiện nay là đô thị loại V), 9 đô thị loại V hiện hữu (tiếp tục thực hiện hoàn thành các tiêu chí cho đô thị loại V đối với 9 đô thị loại V hiện nay, gồm các thị trấn: Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, Bo, Mường Khến, Vụ Bản, Hàng Trạm, Chi Nê, Thanh Hà) và hình thành mới 2 đô thị loại V (Chợ Bến thuộc huyện Lương Sơn, Mông Hóa thuộc huyện Kỳ Sơn), góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh.
Là điểm nhấn nổi bật nhất trong hệ thống đô thị của tỉnh hiện nay, thành phố Hòa Bình (TPHB) đang là đô thị loại III và phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 5 tiêu chí của đô thị loại II. So sánh hiện trạng đô thị TPHB với các tiêu chí của đô thị loại II quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 có thể thấy, TPHB đã đạt kết quả nhất định để bước những bước đầu tiên vào khung điểm chuẩn đối với từng chỉ tiêu đánh giá. Cụ thể: Chỉ tiêu về tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, TPHB đang được đánh giá đạt 49,25 điểm, trong khi khung điểm chuẩn được quy định là 45-60 điểm. Nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội đạt 8,25 điểm trong khung điểm chuẩn 7-10. Nhóm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường đạt 11 điểm trong khung điểm chuẩn 10,5-14. Nhóm tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 8,5 điểm trong khung điểm chuẩn 7,5-10. Trình độ phát triển hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan ngoại thị đạt 9,5 điểm trong khung điểm chuẩn 9-12…
Như vậy có thể thấy, số điểm TPHB đạt được mới ở những mức xuất phát điểm đầu tiên và khoảng cách còn lại sẽ đặt ra nhiều thách thức trong thời gian từ nay đến năm 2020 để có thể đạt số điểm tối đa cho cả 5 nhóm tiêu chí của đô thị loại II. Cụ thể, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: Mở rộng quy mô dân số toàn đô thị >200.000 người; mật độ dân số trung bình toàn đô thị >1.800 người/km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị 65%; diện tích sàn nhà ở bình quân 26,5 – 29 m2/người; mở rộng hệ thống công trình hạ tầng KT-XH; mở rộng hệ thống đường nội thị; hoàn chỉnh hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải…
Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, Cầu Hòa Bình 3 là công trình hạ tầng trọng điểm góp phần nâng tầm đô thị cho thành phố Hòa Bình tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, TPHB sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện 42 dự án trọng điểm, trong đó có 30 dự án phục vụ phát triển đô thị đã bố trí theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Đây được xác định là động lực quan trọng để TPHB vượt qua thách thức, hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí để xứng tầm đô thị loại II vào năm 2020.
Cùng với TPHB, 2 trong số 3 đô thị được dự kiến nâng loại trong Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 là thị trấn Lương Sơn và thị trấn Mai Châu (từ đô thị loại V hiện nay nâng lên loại IV vào năm 2020) cũng đang tích cực huy động nguồn lực cho công cuộc đô thị hóa. Đến nay, hiện trạng của cả 2 thị trấn này đều được đánh giá ở mức tương đối thấp, tức là vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức chuẩn cần đạt đối với các tiêu chí của đô thị loại IV: thị trấn Lương Sơn đạt 70,75 điểm/khung điểm chuẩn 75-100; thị trấn Mai Châu đạt 71,75 điểm/khung điểm chuẩn 75-100. Cũng như TPHB, cả hai đô thị này đều đang đứng trước những thách thức lớn về nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy mô và chất lượng dân số… Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực đầu tư, để đảm bảo hiệu quả xây dựng các hạng mục theo 5 nhóm tiêu chí của đô thị loại IV, địa phương xác định cần ưu tiên hàng đầu cho các dự án có tầm quan trọng, tác động đến chiến lược phát triển kinh tế của đô thị. Cụ thể, thị trấn Lương Sơn đã xác định ưu tiên 23 dự án, thị trấn Mai Châu xác định 12 dự án, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH và thiết thực phục vụ dân sinh.
Bên cạnh 3 đô thị phấn đấu được nâng loại, nhiều thách thức đang đặt ra đối với 9 đô thị loại V hiện hữu và 2 đô thị dự kiến sẽ được thành lập vào năm 2020. Trong đó, đối với 9 thị trấn thuộc các huyện, mặc dù hiện nay đã đạt các tiêu chí đô thị loại V nhưng cần tiếp tục đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, góp phần gia tăng và duy trì bền vững tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh. Riêng đối với 2 khu vực dự kiến sẽ phát triển thành đô thị loại V là Chợ Bến (Lương Sơn) và Mông Hóa (Kỳ Sơn). Để hoàn thành những tiêu chí chính và đảm bảo sự phát triển của đô thị mới với vai trò là thị trấn thuộc huyện, sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ việc đầu tư hoàn thành các tiêu chí "cứng” như hạ tầng KT-XH, vệ sinh môi trường, quy hoạch kiến trúc đô thị… đến các tiêu chí có mức độ thực hiện khó hơn như quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người…
Theo đánh giá của UBND tỉnh: Hiện trạng của 2 khu vực Chợ Bến và Mông Hóa đến thời điểm này đều chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là nhóm tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH (cân đối thu - chi ngân sách chưa đủ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm…), nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội (nhà ở, các công trình công cộng, cơ sở giáo dục, văn hóa, y tế, công trình thương mại - dịch vụ…), nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật (mạng lưới giao thông, điện, nước, chiếu sáng công cộng…). Với hiện trạng đang có, để đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 thì khối lượng công việc cần triển khai sẽ rất lớn, đòi hỏi huy động thêm nhiều nguồn lực trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh: Hướng tới mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt tỷ lệ đô thị hóa 25%, tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 14.554,75 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đã bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn là 2.055,23 tỷ đồng (chiếm khoảng 14% tổng nhu cầu vốn); nguồn vốn còn lại 12.499,52 tỷ đồng (86%) cần huy động để ưu tiên phát triển mạng lưới các đô thị (trên 4.865 tỷ đồng) và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung (trên 7.634 tỷ đồng). Đây là thách thức rất lớn chi phối hiệu quả thực hiện chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2020.
Để vượt qua thách thức này, tại Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 19/4/2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các phương án huy động vốn như: khuyến khích thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP, vay dài hạn từ các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài với lãi suất ưu đãi, đấu giá quyền sử dụng các khu đất có lợi thế về thương mại, bất động sản để có kinh phí đầu tư hạ tầng đô thị, tạo nguồn vốn từ khai thác quỹ đất đô thị, có cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các dự án xã hội hóa…
Cùng với nhóm giải pháp về huy động vốn, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cụ thể các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, phát triển thị trường bất động sản, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch… làm cơ sở để các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan phối hợp đồng bộ, cùng thực hiện quyết tâm đến năm 2020 đạt tỷ lệ đô thị hóa 25%, đặt tiền đề quan trọng để tiếp tục hướng tới lộ trình đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2030.
Thu Trang
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hoạt động mạnh với vùng xoáy thấp phát triển từ tầng thấp đến 5000m dịch chuyển về khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên đêm nay (30/8) ở tỉnh Hòa Bình có mưa to đến rất to.