Trên những chân ruộng thiếu nước không đủ điều kiện trồng lúa, nông dân xóm Bào, xã Thanh Hối (Tân Lạc) chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây màu cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn.
Theo quyết định trên, trong 3 năm (2018 - 2020), toàn tỉnh dự kiến sẽ chuyển đổi 7.523 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm (5.565 ha) và lâu năm (979 ha) có giá trị kinh tế cao, bền vững hơn. Cụ thể, trong năm 2018 sẽ thực hiện chuyển đổi 3.149 ha, năm 2019 chuyển đổi 2.179 ha, năm 2020 chuyển đổi 2.195 ha. Đến nay, kế hoạch đang được các địa phương tích cực triển khai với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu năm 2018, tạo đà thuận lợi để bước tiếp lộ trình đã hoạch định.
Đối với huyện Yên Thủy, kế hoạch đề ra trong 3 năm tới là chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây hàng năm trên tổng diện tích 227 ha vốn là đất trồng lúa kém hiệu quả. So với kết quả đã đạt trong 5 năm trước (2013 - 2017), đây là kế hoạch được đánh giá có tính khả thi cao. Theo thống kê của UBND huyện: Trong 5 năm gần đây, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi khoảng 560 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích chuyển đổi bình quân hàng năm là 109,4 ha, trong đó năm 2015 có diện tích chuyển đổi cao nhất với khoảng 200 ha. So với năm 2013, diện tích một số cây trồng chính như ngô, lạc, sắn… đến cuối năm 2017 đều tăng khá. Cụ thể, diện tích ngô tăng 3,49%; lạc tăng 11,16%; sắn tăng 35,4%; khoai lang tăng 1,2%... Không chỉ đạt những con số thuyết phục về diện tích, hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện chuyển đổi cũng đáng được ghi nhận, thể hiện ở mức tăng năng suất của hầu hết các loại cây trồng: năng suất lúa năm 2013 là 48,07 tạ/ha tăng lên 49,4 tạ/ha năm 2017; năng suất ngô năm 2013 là 38,8 tạ/ha tăng lên 40,1 tạ/ha năm 2017; năng suất lạc năm 2013 là 22,12 tạ/ha tăng lên 4,3 tạ/ha năm 2017; năng suất sắn năm 2013 là 137,7 tạ/ha tăng lên 186,45 tạ/ha năm 2017…
Được biết, để có được những kết quả trên, UBND huyện Yên Thủy đã chỉ đạo chuyển đổi toàn diện trên tất cả các loại cây trồng cả về quy mô diện tích, loại giống, biện pháp KHKT và công nghệ mới, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác giai đoạn 2015 - 2020.
Cũng như huyện Yên Thủy, huyện Kim Bôi đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, coi đây là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn huyện. Vốn là huyện có diện tích đất chuyên canh trồng lúa được quy hoạch lớn thứ hai trong tỉnh (chỉ sau huyện Lạc Sơn), nhưng không vì thế mà huyện Kim Bôi đứng ngoài cuộc khi toàn tỉnh đều chung sức thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020. Theo kế hoạch này, trong 3 năm (2018 - 2020), huyện Kim Bôi được giao thực hiện chuyển đổi 990 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm (750 ha) và lâu năm (120 ha) có giá trị kinh tế cao hơn. Đây là nhiệm vụ phù hợp với quyết tâm của huyện Kim Bôi trong thực hiện quy hoạch đến năm 2020. Dự kiến đến thời điểm đó, huyện có tổng diện tích đất chuyên canh cây lúa khoảng 3,8 nghìn ha, tiếp tục giữ vai trò là một trong những vựa lúa quan trọng nhất của tỉnh, góp phần đảm bảo tốt an ninh lương thực trên địa bàn huyện nói riêng và trong tỉnh nói chung.
Được biết, trên phạm vi toàn tỉnh, quy hoạch đất lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, xác định đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh là 27.150 ha, quy hoạch đất lúa tập trung nhiều nhất tại các huyện Lạc Sơn (trên 5,7 nghìn ha), Kim Bôi (gần 3,8 nghìn ha), Lương Sơn (gần 2,8 nghìn ha)… Để tổ chức quản lý tốt diện tích đất lúa đã được quy hoạch, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch đất trồng lúa của địa phương. Đối với các diện tích được quy hoạch nhưng trồng lúa kém hiệu quả, địa phương chỉ cho phép chuyển đổi sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn khi đảm bảo đủ các điều kiện đã quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Song song với việc duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cần tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng loại đất này. Đặc biệt, đối với các huyện trọng điểm quy hoạch đất chuyên canh lúa nước như: Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn…, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho năng suất cao, chất lượng tốt. Có như vậy mới đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất trồng trọt.
Thu Trang