Lực
lượng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) kiểm tra trang thiết bị
phòng cháy và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc định kỳ tại Trạm 500 kv Hòa Bình.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê, trong giai đoạn 2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 104 vụ cháy, làm 5 người chết và 33 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng như vụ cháy tầng hầm để xe điện của tòa nhà điều hành sân golf Phượng Hoàng (Lương Sơn), gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng; vụ cháy cửa hàng đồ điện dân dụng tại huyện Tân Lạc, cửa hàng kinh doanh quần áo và mỹ phẩm tại chợ Phương Lâm cũng gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.914 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó có 1.496 cơ sở, chiếm 51,33% là cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua rà soát, có 1.213 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ - CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ. Trong đó có 698 cơ sở, chiếm 57,54% tổng số cơ sở nguy hiểm về cháy nổ. Ngoài ra,có 155 cửa hàng xăng dầu cùng hàng trăm cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Trong đó có nhiều cơ sở tập trung sử dụng khối lượng lớn vật liệu, hàng hóa các chất dễ cháy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 413/1.213 cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, còn 800 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Thực hiện Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về PCCC. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra về thực hiện các quy định PCCC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, đôn đốc các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Tính đến thời điểm này, lực lượng Cảnh sát PCCC chưa xử phạt đơn vị nào vi phạm pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Nghị định số 23.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Đội phó Đội hướng dẫn và kiểm tra an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ(Công an tỉnh) cho biết: "Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình áp dụng Nghị định số 23 là điều khoản về số tiền bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tối thiểu tính theo tỷ lệ giá trị, tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản tại thời điểm ký giao kết hợp đồng bảo hiểm. Đối với các công trình là trụ sở cơ quan Nhà nước hoặc các doanh nghiệp, các công ty có tài sản lớn sẽ phải bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nên không bố trí được kinh phí. Ngược lại, với những hộ kinh doanh nhỏ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, phí mua bảo hiểm không lớn, trong khi mức đền bù cao thì doanh nghiệp bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc lại không mặn mà".
Bên cạnh những khó khăn trong áp dụng các điều khoản, một trong những trở ngại khi triển khai thực hiện pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là nhận thức của người đứng đầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, tại các khu công nghiệp, khi được tuyên truyền, vận động,hướng dẫn thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, hầu hết các chủ doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng tham gia thực hiện, tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn tỏ ra thờ ơ với loại bảo hiểm này. Thậm chí có những đơn vị, chủ doanh nghiệp còn nhầm lẫn loại hình bảo hiểm.
(HBĐT) - UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tới 20 xã, thị trấn trên địa bàn.