(HBĐT) - Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất, đá thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi trong tỉnh mỗi khi có mưa to kéo dài. Loại hình thiên tai này đã gây thiệt hại rất lớn về nhà cửa, sản xuất, công trình công cộng và kể cả tính mạng con người.
Chỉ tính trong năm 2019, thiên tai đã khiến trên 730 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại, di dời khẩn cấp. Sạt lở trên các tuyến đường xảy ra ở nhiều nơi, như: đối với tuyến quốc lộ, đất, đá sạt lở khoảng 200 m3, có 6 điểm sạt lở gây ách tắc. Đối với các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, đất, đá sạt lở trên 41.400 m3, có 110 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt mưa lớn bất thường đã gây sụt lún, sạt lở trên quốc lộ 6 và nhiều tuyến đường ở vùng cao, làm hư hỏng các công trình. Gần đây nhất là đợt mưa to kéo dài những ngày đầu tháng 8 đã gây thiệt hại khá lớn cho các địa phương. Có nhiều hộ ở các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, TP Hòa Bình thiệt hại về nhà ở do sạt lở taluy dương, taluy âm, sụt lún nền nhà, sân, vỡ tường nhà. Hàng nghìn m3 đất, đá sạt lở, gây ách tắc giao thông tại các huyện: Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc.
Là tỉnh miền núi, độ dốc lớn nên hầu hết các địa phương, nhất là các xã vùng cao tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao. Theo kết quả rà soát mới đây của Sở NN&PTNT, trong tỉnh, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 105 điểm, 1.510 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư. Trong đó, huyện Tân Lạc có 8 điểm với 58 hộ; Đà Bắc có 17 điểm, 814 hộ; Mai Châu 12 điểm, 154 hộ; Lạc Sơn 3 điểm, 54 hộ; Cao Phong 25 điểm, 97 hộ; Yên Thủy 21 điểm, 230 hộ; Lương Sơn 5 điểm, 42 hộ; TP Hòa Bình 5 điểm, 196 hộ và huyện Kim Bôi có 67 điểm với 453 hộ.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất gây ra, theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, phương án trước mắt là các địa phương cần tăng cường cảnh báo nguy hiểm đến các hộ dân. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn, kịp thời cảnh báo cho Nhân dân di chuyển đến nơi an toàn. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ". Xây dựng phương án sơ tán dân cư ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hiệp đồng với các đơn vị đóng chân trên địa bàn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cấp bách.
Theo thông tin của Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 4, từ nay đến ngày 23/8, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Do vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi, chia sẻ thông tin ở tivi, đài, báo để biết tình hình mưa trên địa bàn, biết nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra. Luôn cảnh giác, lắng nghe bất cứ tiếng động khác lạ nào, kể cả tiếng cây gãy. Chú ý sự thay đổi của dòng nước đang từ trong chuyển sang đục cũng là dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất. Nếu quan sát thấy có dấu hiệu nguy cơ sạt lở đất xảy ra, ngay lập tức phải di dời, bên cạnh đó phải thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có hỗ trợ kịp thời. Địa điểm di dời là trụ sở, trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố, an toàn trong vùng lân cận...
Sạt lở đất là hiện tượng xảy ra rất nhanh nên cần chủ động phòng tránh, đặc biệt là sạt lở đất xảy ra vào ban đêm, bằng cách theo dõi sát sao lượng mưa, thời gian mưa, nhất là những trận mưa đã kéo dài ngày. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các thông báo từ chính quyền địa phương. Quan sát xung quanh nhà, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở cao như đất pha cát, bờ sông, bờ suối...
Bình Giang