(HBĐT) - Từ ngày 29/6, Công ty CP Nước sạch Hòa Bình khởi công dự án Tăng cường cấp nước, cải tạo giảm thất thoát khu vực bờ trái sông Đà năm 2020 tại phường Tân Thịnh, Thịnh Lang (TP Hòa Bình) với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. Dự kiến thi công trong 40 ngày và hoàn thành vào ngày 7/8.



Quá trình thi công dự án ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân tổ 9, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình). 

Ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Khi chưa thay thế, khách hàng được cung cấp nước từ tuyến ống phân phối với đường ống gang và ống thép mạ kẽm. Do lắp đặt từ lâu, xuống cấp, gãy vỡ, ảnh hưởng đến áp lực và chất lượng nước, thất thoát nước. Mặt khác, đa phần khách hàng lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước trong và sau nhà, trên tầng hoặc những vị trí đặc biệt, gây khó khăn cho công ty trong quản lý, vận hành hệ thống. Mục tiêu chính của các dự án nhằm chống thất thoát, tăng cường và nâng cao năng lực cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân. Trong đó có các công việc chủ yếu: Cải tạo thay thế hệ thống đường ống cấp nước cũ bằng các đường ống cấp nước mới. Chuyển đổi, quy hoạch lại vùng cấp nước tổng thể. Chuyển đổi vị trí các đồng hồ đo lưu lượng nước ra bên ngoài nhà, thuận tiện cho công tác quản lý, đọc, đếm chỉ số đồng hồ.

Về quy mô dự án, tại phường Thịnh Lang, nâng cấp, cải tạo đường ống phân phối bằng ống HDPE DN110mm, chiều dài 945 m. Nâng cấp, cải tạo đường ống dịch vụ bằng ống HDPE DN63mm, chiều dài 3.837 m và ống dịch vụ HDPE DN50mm, chiều dài 2.520 m. Lắp đặt 8 cụm đồng hồ kiểm soát lưu lượng D50mm và hệ thống van chặn đồng bộ trên các tuyến. Cải tạo, lắp đặt lại 604 cụm đồng hồ D15mm các hộ dân. Tại phường Tân Thịnh, nâng cấp, cải tạo đường ống phân phối bằng ống HDPE DN110mm, chiều dài 785 m. Nâng cấp, cải tạo đường ống dịch vụ bằng ống HDPE DN63mm, chiều dài 2.880 m và ống dịch vụ HDPE DN50mm, chiều dài 3.125m. Lắp đặt 12 cụm đồng hồ kiểm soát lưu lượng D50mm và hệ thống van chặn đồng bộ trên các tuyến. Cải tạo, lắp đặt lại 961 cụm đồng hồ D15mm các hộ dân.

Về giải pháp thiết kế xây dựng, các tuyến ống phân phối bằng ống HDPE DN110mm được lắp đặt bằng phương pháp hàn. Trên tuyến ống có bố trí van khóa. Ống dịch vụ HDPE DN63mm và HDPE DN50mm nối bằng phương pháp măng sông. Trên tuyến ống có bố trí cụm đồng hồ đo lưu lượng và van khóa đặt trong hố van. Các tuyến ống khi thi công lắp đặt xong, đường ống phải được xúc xả trước khi đưa vào sử dụng. Đấu nối hộ gia đình sử dụng lại đồng hồ đo lưu lượng d=15mm tháo dỡ lắp đặt lại. Ống được đặt ngầm dưới đất và trên lớp nền cát 10 cm, đỉnh ống lấp cát đến lớp gạch blok và lớp bê tông hoàn trả theo đúng kết cấu nền hiện trạng. Các van chặn, tê, cút tuyến ống chính được lắp đặt trên các gối đỡ bằng bê tông mác 200 có đai thép cố định. Các ty van khóa có ống nhựa và chụp gang bảo vệ. Đồng hồ đo lưu lượng được lắp đặt trong các hố xây bằng gạch chỉ đặc tiêu chuẩn vữa xi măng mác 75. Hố van có tấm đan đổ bê tông cốt thép đá 1x2 mác 200, dày 100 cm đúc sẵn bảo vệ.

          Trước khi thi công, ngày 22/6, UBND TP Hòa Bình đã cấp cho công ty Giấy phép số 242/GPĐĐ-VH sử dụng lòng đường, hè phố để thi công công trình. Cụ thể là các tuyến đường: Thịnh Lang, Trương Hán Siêu, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Chi Lăng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học và phố Kim Đồng. Thời gian sử dụng 40 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép. Công ty phải có trách nhiệm hoàn trả lại nguyên trạng lòng đường, hè phố và bảo hành trong 12 tháng phần hoàn trả.

          Đến ngày 12/8, giấy phép thi công công trình đã hết hạn, kế hoạch hoàn thành dự kiến bị chậm. Nhân dân phường Thịnh Lang đã có nhiều ý kiến phản ánh về những ảnh hưởng của quá trình thi công dự án. Tổ trưởng tổ dân phố số 9 Nguyễn Thị Thu cho biết: Tổng hợp ý kiến Nhân dân phản ánh hoạt động thi công gây khó khăn cho việc đi lại, đường trục chính, đường ngõ đào bới lên để thay đường ống nước nhưng chậm trả lại mặt bằng. Quá trình khoan, cắt bê tông bụi, tiếng ồn, vỡ ống nước cũ. Một số tuyến đường ngõ không thực hiện cắt bê tông trước khi khoan, gây tranh cãi giữa đơn vị thi công và người dân. Một số thời điểm giữa trưa 12h hay 22h vẫn cắt, khoan bê tông, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh và giờ nghỉ ngơi của người dân... Bên cạnh đó, một số người dân còn băn khoăn về việc phải tự chi trả tiền lắp đặt đường ống nước sau đồng hồ trong khi đang sử dụng nước bình thường.

Đem những băn khoăn của người dân trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Hòa Bình Nguyễn Duy Hùng được giải thích như sau: Theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, công ty đầu tư, cải tạo hệ thống cấp nước đến hộp đồng hồ, còn chi phí lắp đặt từ phía sau đồng hồ vào nhà sẽ do hộ sử dụng nước tự chi trả. Chi phí này có thể thay đổi do phụ thuộc vào vị trí từ hộp đồng hồ mới lắp đặt, tới vị trí đấu trả hiện có của từng hộ gia đình. Trong thời gian thi công, việc gây ra một số ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của người dân là không thể tránh khỏi. Công ty cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu tối đa các tác động và mong tiếp tục nhận được sự thông cảm, đồng hành của Nhân dân.

Từ ngày 12/8, công ty bắt đầu hoàn trả lại mặt bằng các tuyến đường ở phường Thịnh Lang. Giấy phép thi công đã hết hạn được đại diện công ty cho biết đang thực hiện thủ tục gia hạn. Ban giám sát đầu tư cộng đồng phường và các tổ dân phố đã cử cán bộ giám sát quá trình hoàn trả mặt bằng.


Cẩm Lệ

Các tin khác


TP Hòa Bình: Ngập úng cục bộ do mưa lớn tối ngày 10/8

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của trận mưa lớn lúc 21 giờ ngày 10/8, mưa to kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ, tại tổ 4 Phường Phương Lâm TP Hòa Bình đã sảy ra ngập úng cục bộ, nước mưa không tiêu kịp dâng đầy lòng đường và tràn vào nhà dân khu vực trường tiểu học Lý Tự Trọng, có nhà ngập đến 20 cm nước.

Tập huấn quản lý Nhà nước cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật

(HBĐT) - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Tham gia tập huấn có cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, đại diện các Phòng NN&PTNT các huyện và cán bộ phụ trách công tác TT&BVTV các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do Công ty CP Nước sạch Hòa Bình được giao quản lý.

Tăng cường bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - Ngày 10/8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1321/UBND-NNTN về việc tăng cường triển khai một số nội dung về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.

Phát hiện, xử lý 122 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường

(HBĐT) - Từ đầu năm đến tháng 7/2020, các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 122 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 117 vụ việc, tổng số tiền phạt 1,182 tỷ đồng.

Quản lý an toàn hồ, đập, phục vụ sản xuất và đời sống

(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại đang hoạt động, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (đập có chiều cao từ 5 m trở lên, hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 50.000 m3 trở lên); 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập, có 49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ, đập loại nhỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục