(HBĐT) - Những ngày qua, nhiều hộ  nuôi cá lồng, bè ở các xã vùng hồ huyện Đà Bắc, Mai Châu chịu thiệt hại nặng nề do cá nuôi chết hàng loạt. Suốt thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, cá thương phẩm khó tiêu thụ khiến người nuôi lao đao. 

 Giờ đây, các hộ lại xót xa nhìn những lồng cá chết phơi trắng bụng mà không biết phải làm thế nào để giảm được tổn thất. Có những hộ đầu tư cả trăm triệu đồng mà chỉ trong thời gian ngắn đã trở nên trắng tay; vay vốn ngân hàng để đầu tư, giờ chưa biết xoay sở ra sao khi tài sản không còn.


Thời gian qua, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình xuống thấp, nước đục khiến hàm lượng oxy trong lồng nuôi thấp hơn ngưỡng cho phép, dẫn đến tình trạng cá chết.  (Ảnh chụp tại xã Tiền Phong - Đà Bắc).

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, thời gian gần đây, mực nước hồ thủy điện sông Đà xuống thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Cùng với đó là thời tiết nắng nóng kéo dài gây nên hiện tượng cá tự nhiên và cá nuôi lồng, bè chết ở nhiều xã như: Nánh Nghê, Mường Chiềng, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Yên Hòa, Tiền Phong (Đà Bắc); Tân Thành, Sơn Thủy (Mai Châu). Đối tượng cá chết gồm tất cả các loại nuôi lồng, tập trung nhiều ở những đối tượng có giá trị kinh tế như: Lăng, chiên, trắm đen, trắm cỏ, chép, ngạnh, rô phi. Tính đến ngày 11/7, tổng số có trên 400 lồng có cá chết với khoảng 35 tấn.

Trước thực trạng cá chết hàng loạt, Sở NN&PTNT tổ chức đoàn công tác kiểm tra tại các khu vực về những thông số môi trường cơ bản như: Nhiệt độ, độ trong, DO, NH4+, N03-,… Kết quả test nhanh cho thấy, một số chỉ số cơ bản không đạt ngưỡng giới hạn theo quy định. Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin chi tiết: Qua kiểm tra ghi nhận hàm lượng oxy trong nước khá thấp so với giới hạn quy định (giới hạn chất lượng nước mặt theo Quy chuẩn 08-MT:2015/BTNMT, DO ≥ 6mg/l), trung bình chỉ đạt 3 - 4 mg/l, cá biệt có điểm hàm lượng oxy chỉ đạt 1 mg/l. Hàm lượng Amoni NH4+ khá cao so với giới hạn quy định, trung bình 0,5 - 1 mg/l. Hàm lượng Nitrat NO3- tương đối cao so với giới hạn quy định (giới hạn quy định  NO3- 2 mg/l), kết quả test nhanh thực tế đo được NO3- = 3 - 4 mg/l, thậm chí có điểm lên đến 5 mg/l như ở xã Yên Hòa (Đà Bắc). 

Kiểm tra thực tế cũng cho thấy, độ trong rất thấp, phần lớn các điểm chỉ ở ngưỡng 10 - 12 cm. Thời gian qua cạn nước, đáy tồn dư chất khí độc, ngoài ra, sau khi có mưa đã rửa trôi rác ở đồi, núi chảy xuống, ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường sống của thủy sản. Kiểm tra trên các đối tượng cá chết không thấy các dấu hiệu của bệnh. Thông qua kết quả test nhanh và đánh giá tình hình thực tế, ngành chức năng đánh giá, nguyên nhân ban đầu do mực nước hồ Hòa Bình xuống quá thấp, trong thời điểm diễn ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt liên tiếp, nước đục khiến hàm lượng oxy trong lồng nuôi thấp hơn ngưỡng cho phép dẫn đến cá chết. "Thực tế là thiệt hại chủ yếu trong các hộ dân. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng đã chủ động bổ sung thức ăn, chất khoáng cho cá và có máy sục khí kịp thời cung cấp oxy nên gần như không bị thiệt hại” - đồng chí Hoàng Văn Son cho biết thêm.

Dự báo nắng nóng còn tiếp diễn sẽ dẫn đến các yếu tố môi trường biến động mạnh, kết hợp với mưa lũ đầu mùa gây bất lợi cho thủy sản nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa và nuôi ao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản lồng, bè, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo việc hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện các quy định về nuôi cá lồng, bè, cá ao theo Quy chuẩn VN 01-80:2011/BNNPTNT về "Cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm - điều kiện vệ sinh thú y”; Quy chuẩn VN 02-22:2015/BNNPTNT về "Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt - điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”; tổ chức rà soát, bố trí lồng nuôi phù hợp. Tuân thủ khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường.

Chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc cảnh báo môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng đến vùng nuôi. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết rải rác, cần hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi. 

Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo các địa phương hướng dẫn các hộ thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi, di chuyển lồng nuôi đến những vị trí có dòng chảy, hoặc dẫn các nguồn nước từ khe suối chảy vào lồng, bè và kết hợp quạt khí. Ngoài ra, có thể sử dụng bạt nilon làm tráng lưu giữ tạm đàn cá còn lại, bơm nước sạch, tạo dòng nước chảy liên tục vào tráng. Chuẩn bị sẵn máy bơm, sục khí, nguyên, nhiên vật liệu để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu. Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường lồng nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối; sớm phát hiện biến động môi trường ảnh hưởng không tốt đến thủy sản nuôi và kịp thời xử lý.

                                                                                             
Thu Hiền

Các tin khác


Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục