Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) làm thuốc hữu cơ phun, bón cho cây trồng.
Cuộc thi ý nghĩa
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch TT Hội LHPN tỉnh: Trong vòng 2 tuần (từ ngày 1 - 15/6/2021) đã có 90 bài dự thi của các cấp Hội phụ nữ trên toàn tỉnh tham gia vòng 1 cuộc thi, nhiều bài có chất lượng, được đầu tư cả về hình thức và nội dung, đảm bảo đúng chủ đề của Ban tổ chức cuộc thi đưa ra. Qua đó thể hiện rõ nét những hoạt động sôi nổi, rộng khắp, phong phú, chất lượng của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), chung tay phục hồi hệ sinh thái, đồng thời cũng thể hiện rõ sự tìm tòi, nghiên cứu để khẳng định những mối quan tâm, nhận thức đúng đắn cùng các ý tưởng sáng tạo nhằm cùng cộng đồng thực hiện tốt hơn nữa hoạt động BVMT, chung tay phục hồi hệ sinh thái.
Từ bài dự thi tại vòng thi "Thử thách vì môi trường”, Hội LHPN tỉnh căn cứ vào nội dung, hình thức bài dự thi và số lượng lượt tương tác like, comment, chia sẻ trên trang fanpage của Hội đã lựa chọn 2 bài dự thi xuất sắc tham gia dự thi trên trang fanpage của T.Ư Hội LHPN Việt Nam, với nội dung: "Tất cả vì một hệ sinh thái xanh” của Hội LHPN xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) và "3T Farm - hệ sinh thái tự nhiên vì môi trường bền vững” của Hội LHPN thị trấn Cao Phong (Cao Phong). Trong đó, bài dự thi của Hội LHPN thị trấn Cao Phong được T.Ư Hội chọn là 1 trong 20 bài dự thi lọt vào vòng chung kết, tham gia vòng thi "Phụ nữ là một phần của giải pháp”. Đây cũng là bài dự thi đã được các cấp Hội trong tỉnh cũng như những nhân vật chủ đạo nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết để bài thi xứng đáng đạt giải cao của cuộc thi.
"Lấy những thứ từ thiên nhiên để phục hồi lại thiên nhiên”
Mô hình được triển khai trong bài dự thi có chủ đề: Sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái của HTX 3T Farm với phương châm: "Lấy những thứ từ thiên nhiên để phục hồi lại thiên nhiên”, 3T Farm bắt tay thực hiện rất nhiều hoạt động ứng dụng vi sinh vào quy trình sản xuất sinh thái tại HTX. Các hoạt động được tổ chức bài bản, các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho phụ nữ được tổ chức dưới nhiều hình thức sáng tạo. Nổi bật, hoạt động hội thảo trực tiếp đầu bờ giúp chị em có sự quan sát, học hỏi và ứng dụng một cách trực quan, có hiệu quả. Do đó đến nay, các mô hình ứng dụng vi sinh vào canh tác sinh thái đã được phổ biến tới chị em các xã trong toàn huyện. Không chỉ áp dụng vào trồng trọt mà còn áp dụng cả trong chăn nuôi cũng như thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chế biến phân hữu cơ.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX 3T nông sản Cao Phong - hội viên tiêu biểu, tâm huyết, thành công với mô hình của mình và là người truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa cho nhiều hội viên phụ nữ cũng như người dân địa phương về mô hình, phương pháp canh tác hữu cơ chia sẻ: Mô hình sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái thực hiện từ những việc nhỏ nhất như: Không phun thuốc diệt cỏ mà nuôi thành thảm cỏ xanh chống hạn hán mùa khô, chống xói mòn mùa mưa, là nơi trú ngụ của giun, dế, kiến...; không phun thuốc bảo vệ thực vật mà dùng thảo mộc để trừ sâu bệnh bằng cách tự tạo nguyên liệu tại chỗ… tạo nên bầu không khí trong lành, chim muông về tụ họp, cỏ cây tươi tốt, con người khoẻ mạnh, các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế bền vững. Cam sinh thái của 3T Farm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và tìm đến thăm quan trải nghiệm.
Lan tỏa thông điệp từ mô hình
Đồng chí Định Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cao Phong chia sẻ: Bài dự thi của Hội LHPN thị trấn có giá trị, ý nghĩa và tạo được dấu ấn bởi dựa trên thực tế đã, đang được triển khai thực hiện tại địa phương. Thực tế đó là quá trình canh tác hiệu quả dựa trên sự tôn trọng, BVMT sinh thái; là bảo vệ, tôn trọng sức khỏe người tiêu dùng cũng như người canh tác. Bài dự thi ở vòng 1 được xây dựng dưới dạng bài viết và hình ảnh. Tuy nhiên, khi được lựa chọn vào vòng chung kết của cuộc thi, Hội LHPN thị trấn đã tham mưu Hội LHPN huyện xây dựng bài thi dưới dạng video clip, như vậy sẽ mô tả rõ hơn quy trình canh tác sinh thái, giúp người xem dễ hình dung và áp dụng vào thực tế sản xuất hiệu quả hơn. Điểm nhấn của bài dự thi là cách lựa chọn chi tiết để tạo tính lan tỏa có chiều sâu của mô hình. Đó là khi mô mình được kết hợp với việc thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ Cao Phong - sản xuất ứng dụng quy trình canh tác sinh thái”. Các thành viên tham gia mô hình đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa thông điệp ý nghĩa về BVMT, phục hồi hệ sinh thái thông qua sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch TT Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong những năm qua, công tác tuyên truyền BVMT cho hội viên, phụ nữ đã được các cấp Hội LHPN trong tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả như: Truyền thông để trang bị kiến thức, công nghệ về BVMT, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; biên soạn, cung cấp tài liệu về BVMT phù hợp với phụ nữ; lồng ghép nội dung tuyên truyền về môi trường với nội dung tuyên truyền về giới, sức khoẻ, xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới, phòng, chống tội phạm và các nội dung công tác Hội nhằm tăng cường hiệu quả công tác BVMT. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, việc xây dựng các mô hình về BVMT được các cấp Hội chú trọng, triển khai với hình thức phong phú, phù hợp điều kiện của từng địa phương, tiêu biểu như các mô hình: Tuyến đường phụ nữ tự quản; tuyến đường hoa; tuyến đường xanh, sạch, đẹp; tổ phụ nữ thu gom rác; phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon; hỗ trợ, khuyến khích người dân xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; giáo dục hành động vệ sinh môi trường và rửa tay với xà phòng; ngày thứ Bảy, Chủ nhật xanh - sạch - đẹp; "3 sạch" (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ); sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn thực phẩm...
Hiệu quả hoạt động này không chỉ dừng lại ở phạm vi, thời điểm tổ chức mà còn có sự lan tỏa sâu rộng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh trong thời gian qua và những giai đoạn sắp tới…
Hồng Duyên