(HBĐT) - Trong những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nhằm phục vụ công tác chuyển đổi số, trung tâm dữ liệu được đầu tư, nâng cấp để cung cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh. 100% cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Ngoài ra, đảm bảo kết nối, liên thông các phần mềm ứng dụng dùng chung trong cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện được triển khai sử dụng tại 100% cơ quan Nhà nước tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trung bình hàng năm tiếp nhận, giải quyết trên 200 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống, góp phần làm minh bạch, công khai các thủ tục, trạng thái xử lý hồ sơ hành chính, tăng hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội.
Cổng Dịch vụ công (DVC) tỉnh hiện cung cấp 1.502 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (620 DVC mức độ 3 và 912 DVC mức độ 4). Đã kết nối, tích hợp giải quyết 6 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Tích hợp 534 DVC trực tuyến với Cổng DVC quốc gia; tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của tỉnh với Cổng DVC quốc gia. Tiếp nhận, xử lý 62.576 hồ sơ trực tuyến được gửi từ Cổng DVC quốc gia. Cổng DVC tỉnh đã được kết nối với Hệ thống thông tin của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) để triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bên cạnh việc triển khai ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, một số cơ quan, đơn vị đã triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành như: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở: GD&ĐT, KH&CN, Y tế, Xây dựng, TN&MT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Tư pháp, VH-TT&DL, Thanh tra tỉnh, BHXH tỉnh...
Nhằm hướng tới phục vụ người dân, theo đề án chuyển đổi số của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng DVC tỉnh với Cổng DVC quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng… Đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với DVC trực tuyến của tỉnh; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; trên 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Việt Lâm