Mặc dù đã tạo hàng rào đất để chống đá lăn nhưng khu vực núi đá Pha Hoong Mèo, xóm Hịch 2, xã Mai Hịch (Mai Châu) vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.
Anh Hà Công Hưởng, xóm Hịch 2 chia sẻ: Tháng 10/2021, ngay sau khi xảy ra sạt lở đá tại núi đá Pha Hoong Mèo, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN xã đã vận động giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng tạm thời di chuyển đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Từ khi xảy ra sạt lở đá đến nay, các hộ dân sinh sống dưới chân núi đá luôn lo lắng, bất an vì trên núi vẫn còn nhiều khối đá to, nguy cơ sạt lở rất cao. 3 tháng qua, khi trời mưa to, người dân đều phải cảnh giác cao không tới gần chân núi, không thả gia súc, gia cầm để đảm bảo an toàn.
Xã Mai Hịch có địa hình chia cắt phức tạp, núi đá xen lẫn đồi, thung lũng. Các hộ dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp dưới chân núi, với đặc thù như vậy, cùng với tác động của thiên nhiên, tầng địa chất và cả tác động của con người rất dễ xảy ra hiện tượng đá lở, đá lăn. Đặc biệt, vào mùa mưa rất dễ xảy ra nguy cơ sạt lở đá. Qua khảo sát của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã, trên địa bàn có 2 xóm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đá cao gồm: Xóm Hịch 1 với khoảng 20 - 30 hộ bị ảnh hưởng, khối lượng các hòn đá khoảng 10 khối/hòn; xóm Hịch 2 khoảng 15 hộ nằm dưới chân núi đá.
Đồng chí Ngần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo các xóm khảo sát những vùng có nguy cơ đá lăn để thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho Nhân dân; theo dõi liên tục diễn biến tình hình sạt lở, đá lăn tại những nơi có nguy cơ cao, kịp thời thông báo cho Nhân dân để chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đối với khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đá cao là xóm Hịch 1, Hịch 2, UBND xã đã xin huyện kinh phí xây kè chống đá lăn tại xóm Hịch 1 và tạo tường đất chắn đá lăn tại xóm Hịch 2. Đồng thời, đặt biển cấm cảnh báo người dân không đi lại khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, tại khu vực xóm Hịch 1, Hịch 2 còn nhiều khối đá to nguy cơ sạt lở cao.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay thời tiết diễn biến khó lường. Do vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã duy trì trực 24/24h, triển khai các phương án ứng phó; linh hoạt áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đề cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai, nhất là những hộ nghèo, khó khăn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập úng, tập trung sửa chữa nhà cửa, xử lý các điểm sạt lở, xử lý môi trường sau mưa lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Thu Thủy