(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được thông tin phản ánh của người dân xóm Lục Cả, thị trấn Bo (Kim Bôi) về việc quá trình hoạt động khai thác đá làm sạt trượt gây ảnh hưởng dòng chảy suối Cháo, đoạn qua xóm Lục Cả gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân.
Lượng đá lăn xuống lòng suối Cháo, thị trấn Bo (Kim Bôi) ảnh hưởng đến dòng chảy chưa được giải quyết triệt để (ảnh chụp ngày 8/8).
Chỉ về phía rặng núi sau nhà, cách một quãng đồng trước mặt, ông Bùi Văn Tới, người dân xóm Lục Cả bức xúc: Thời gian qua, quá trình khai khác đá của Công ty TNHH Phát Đạt, khu Kim Bình, thị trấn Bo không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân mà trong quá trình khai thác, một khối lượng đá lớn từ đỉnh núi đổ xuống dòng suối Cháo. Tình trạng này làm vùi lấp, co hẹp lòng suối, tác động làm thay đổi dòng chảy. Vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, lòng suối hẹp, lưu lượng nước đổ về lớn gây nên lũ ống, lũ quét tàn phá hoa màu của Nhân dân.
Không chỉ gia đình ông Tới mà cả hơn 50 hộ dân chòm Gò Xe có ruộng cấy lúa, trồng màu ở khu vực này đều có chung nỗi bức xúc. Bà Bùi Thị Xuyến cho biết: Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết và yêu cầu Công ty TNHH Phát Đạt dọn dẹp, khơi thông lại lòng suối. Tuy nhiên, qua một thời gian dài vẫn chưa thấy có động thái nào của cơ quan có thẩm quyền và phía công ty. Do vậy, đến nay lòng suối vẫn còn một khối lượng lớn đá nằm chắn lấp.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Vũ Hồng Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Bo cho biết: Trước đây, mỏ đá của Công ty Phát Đạt thuộc xã Kim Bình (cũ). Sau khi nhập xã Kim Bình vào thị trấn (tháng 1/2020), mỏ đá của doanh nghiệp này thuộc thị trấn Bo. Doanh nghiệp đã có đầy đủ giấy phép theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, đơn vị không tuân thủ việc sử dụng thuốc nổ trong khai thác đá.
"Nhiều khi doanh nghiệp vẫn sử dụng quá liều lượng thuốc nổ. Vì vậy khi nổ mìn đá lăn, rơi, bắn ra xung quanh ảnh hưởng đến ruộng sản xuất, dòng suối theo phản ánh của người dân là có và đúng sự thật. Trước sự việc này, thị trấn đã nhiều lần báo cáo huyện xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể năm 2021 có đoàn liên ngành kiểm tra của tỉnh cùng huyện, thị trấn lập biên bản kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng theo giấy phép và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chỉ chấp hành được một thời gian, sau đó đâu lại vào đấy. Chúng tôi nhắc nhở cũng không giải quyết được vì vấn đề này vượt quá thẩm quyền giải quyết của thị trấn nên chỉ biết báo cáo huyện xem xét giải quyết” - đồng chí Vũ Hồng Cường cho biết thêm.
Ghi nhận thực tế tại hiện trường đá lăn xuống suối nhiều, ảnh hưởng đến dòng chảy. Nếu không được nạo múc lượng đá trượt sạt dưới lòng suối về lâu dài sẽ gây hiện tượng xói mòn, lở đất. "Về vấn đề này, thị trấn cũng kiến nghị với huyện đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Bởi sau khi sáp nhập, khi vực mỏ đá trở thành khu vực đô thị của huyện. Biết là doanh nghiệp được cấp phép khai thác theo quy định của pháp luật trước thời điểm sáp nhập. Nhưng chúng tôi thấy bây giờ không còn phù hợp nữa nên đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh quan tâm chuyển đổi mục đích sử dụng, chứ trong nội thị mà có mỏ đá cũng rất phức tạp” - đồng chí Vũ Hồng Cường nhấn mạnh.
Đồng chí đồng chí Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng TN&MT huyện Kim Bôi cho biết: Về vấn đề này, các cơ quan chức năng của huyện đã nhận được phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Vừa qua, huyện đã yêu cầu doanh nghiệp xử lý, nạo múc lượng đá trượt sạt xuống lòng suối Cháo gây ảnh hưởng tới dòng chảy, có nguy cơ gây xói mòn, lở đất, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chưa xử lý triệt để. Tới đây, chúng tôi tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp nạo múc, khơi thông suối Cháo để dòng chảy thông thoáng. Đồng thời có biện pháp giám sát chặt chẽ việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác đá của doanh nghiệp. Cũng như tham mưu cho UBND huyện đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh xem xét, giải quyết phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.
P.V
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ 14 giờ ngày 11/8 đến 10 giờ ngày 12/8/2022, trên địa bàn huyện Lương Sơn có mưa vừa và mưa to với tổng lượng nước mưa là 118.0mm và mực nước sông Bùi dâng cao nhất là 2.254cm (lúc 4 giờ 00 phút ngày 12/8) ứng với mức báo động cấp II đo được tại Trạm Khí tượng Thủy văn Lâm Sơn.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Cao Phong: Do ảnh hưởng mưa của bão số 2 từ ngày 9/8 đến 10h00' ngày 12/8, trên địa bàn huyện đã có nhiều nơi bị thiệt hại về tài sản, các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà cửa của nhân dân... cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
(HBĐT) - Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu, do ảnh hưởng cơn bão số 2, tiếp tục từ 13h ngày 11/8 đến 10h ngày 12/8, toàn huyện mưa to kéo dài, làm sạt lở, ngập úng một số công trình giao thông, thủy lợi, nhà cửa, diện tích lúa, hoa màu một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mai Châu, do ảnh hưởng cơn bão số 2, từ ngày 10/8 đến 13h ngày 11/8/2022, trên địa bàn huyện mưa to kéo dài. Mưa lớn đã làm sạt lở, ngập úng một số công trình giao thông, diện tích lúa, hoa màu một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 12/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm.