(HBĐT) - Những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) ở khu vực nông thôn đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn chỉ ra rằng, nếu không nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong công tác BVMT, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền thì ô nhiễm môi trường sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai.



Mô hình "hố rác tại gia" - sáng kiến hiệu quả trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại xóm Kha Lạ, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua thực tế tìm hiểu, nhất là ở những xã trong diện phấn đấu về đích dễ nhận thấy tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 83/129 xã đạt tiêu chí về môi trường. Mặt khác, có những xã đã đạt tiêu chí này nhưng để giữ vững và nâng cao chất lượng cũng lắm gian nan. 

Thách thức trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Những năm trở lại đây, ở khu vực thành phố và các thị trấn tồn tại không ít vấn đề về môi trường chưa được giải quyết dứt điểm, hoặc gặp nhiều khó khăn để tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Thực trạng này ở khu vực nông thôn chưa đến mức báo động, nhưng cũng đang trở thành nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường bởi việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt chưa được chú trọng, trong khi lượng rác thải ngày càng lớn. Xả rác ra sông, suối hay núi, đồi, thậm chí dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn vẫn còn tái diễn. Nguyên nhân của thực trạng này do ý thức của người dân, sự vào cuộc của ngành chức năng, đặc biệt là nhiều xã chưa được xây dựng bãi rác.

Theo Chi cục BVMT (Sở TN&MT), trong những năm gần đây, công tác thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại khu vực nông thôn chưa được quan tâm thích đáng. Nhiều xã chưa có đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTR sinh hoạt. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng quy mô nhỏ, phần lớn tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn thô sơ với xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Theo thống kê, có khoảng 60% số thôn, xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%. 

Ngoài ra, việc xử lý CTR sinh hoạt nông thôn ở hầu hết các địa phương chủ yếu bằng phương pháp đốt, chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Trong những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt CTR với công suất nhỏ (huyện Cao Phong, Kim Bôi, Yên Thủy) phục vụ việc xử lý CTR sinh hoạt cho một vùng nông thôn hoặc cụm dân cư. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý cũng như quá trình vận hành đảm bảo tiêu chuẩn môi trường hay không là vấn đề chưa được kiểm tra, xác nhận.
Việc thu gom CTR từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ, hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) còn rất hạn chế, hầu như chưa có mô hình thu gom bao bì hóa chất BVTV phù hợp với đặc thù của nền sản xuất nhỏ, phân tán. Ô nhiễm môi trường làng nghề cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Hiện, ở một số vùng vẫn tồn tại những ngành sản xuất gây ô nhiễm không khí nặng như: Tái chế nhựa, kim loại, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy không tuân thủ quy định BVMT về xử lý chất thải, không thực hiện đánh giá tác động môi trường...

Giải pháp để bảo đảm môi trường nông thôn

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, xử lý rác thải và BVMT. Trong đó, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các phong trào BVMT, như: Đoàn Thanh niên với phong trào "Ngày Chủ nhật xanh”, các đoạn đường tự quản; Hội Phụ nữ với phong trào "5 không, 3 sạch”. Nổi bật như mô hình "hố rác tại gia” do Hội Phụ nữ phát động tại xóm Kha Lạ, xã Phong Phú (Tân Lạc).

Mô hình này được triển khai từ năm 2017, với chi phí xây dựng hố rác tại mỗi gia đình chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng đem lại hiệu quả tích cực. Bà Bùi Thị Sen, người dân xóm Kha Lạ chia sẻ: Trước đây, bà con chưa quan tâm nhiều đến việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt nên thường xả rác ra suối. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Từ khi triển khai mô hình "hố rác tại gia”, rác thải sinh hoạt của gia đình nào tự gia đình đó xử lý, tuyệt đối không vứt ra môi trường. Nhờ đó môi trường được đảm bảo, bà con nêu cao ý thức tự giác tham gia bảo vệ cảnh quan, môi trường của xóm để càng xanh, sạch, đẹp hơn.   

Mô hình hay mà người dân xóm Kha Lạ đã, đang triển khai hiệu quả cần được nhân rộng đến các thôn, xóm khác trên địa bàn tỉnh. Theo lãnh đạo Chi cục BVMT, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường ở khu vực nông thôn. Đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT ở khu vực nông thôn; xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nông thôn; thực hiện chính sách khuyến khích và các biện pháp phù hợp trong quản lý chất thải nông thôn; cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn.

Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng quy chế huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Kiện toàn bộ máy thực thi công tác BVMT các cấp; huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động BVMT nông thôn, ưu tiên nguồn lực để giải quyết từng bước những vấn đề bức xúc hiện nay như xử lý CTR, nước thải. Cùng với đó tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi công tác BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT. Xây dựng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác BVMT...

Viết Đào


Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục