Dân "khát" bên công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang
Thứ năm, 8/6/2023 | 8:49:24 Sáng
(HBĐT) - Sau sự cố bị cháy máy bơm năm 2016, công trình nước sạch được đầu tư hơn 3 tỷ đồng, phục vụ cho hơn 500 hộ dân ở xã Gia Mô (Tân Lạc) rơi vào cảnh "đắp chiếu”. Từ đó đến nay, người dân, báo chí đã không ít lần phản ánh nhưng công trình chưa được duy tu, sửa chữa. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở xã vùng sâu này đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo.
Công trình nước sạch xã Gia Mô (Tân Lạc) được đầu tư tiền tỷ bị bỏ hoang sau khi hỏng máy bơm nước.
Dân "khát” khi công trình nước sạch "đắp chiếu”
Tháng 6/2017, thời điểm sau 1 năm công trình nước sạch xã Gia Mô bị hỏng hóc, PV Báo Hòa Bình đã phản ánh về nguy cơ công trình có thể rơi vào cảnh "đắp chiếu” nếu không được sửa chữa kịp thời. Sau 6 năm, thực tế công trình nước sạch tiền tỷ này đã dần bị rơi vào quên lãng khi chưa có bất kỳ một động thái nào về việc sẽ sửa chữa lại. Ghi nhận thực tế, hiện các hạng mục của công trình như: bể chứa, bể lắng, bể lọc nước và nhà điều hành vẫn còn nhưng do bỏ hoang đã lâu nên cỏ dại mọc um tùm, trong khuôn viên công trình, bà con tận dụng làm nơi chứa phân bón. Đối với hệ thống ống dẫn nước đến các xóm đã bị hư hỏng.
Những ngày cuối tháng 5/2023, dù đã xuất hiện một vài cơn mưa lớn nhưng một số con suối ở xã Gia Mô vẫn cạn khô. Xóm Rên có trên 100 hộ dân, được chia thành 2 khu dân cư, một khu dọc theo tỉnh lộ 436, khu còn lại dưới chân dãy núi Trường Sơn. Trước đây, khi công trình nước sạch hoạt động hiệu quả, hầu hết các hộ dân trong xóm đều sử dụng nguồn nước này, có những hộ lấp cả giếng để chuyển sang dùng nước từ công trình nước sạch. Do đó, thời điểm công trình bị sự cố chưa được sửa chữa, nhiều hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Như ở khu vực Thung Tôm của xóm Rên có hơn 10 hộ dân, trước đây đều sử dụng nước từ công trình nước sạch. Sau vài tháng chờ đợi công trình không hoạt động trở lại, các hộ dân đào một giếng sâu chừng 3 m dẫn nước từ đầu nguồn về, đặt máy bơm để bơm nước về sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Cao Viết Mai, người dân nơi đây cho biết: Mấy năm trở lại đây, con suối đều cạn nước hơn so với trước đây. Đặc biệt là mùa khô năm nay, nước suối rất nhỏ, ti ô dẫn nước thường xuyên bị tắc nên bà con phải thay nhau kiểm tra đường ống và chia nhau nước để sử dụng. Chưa kể nguồn nước không đảm bảo vì có nhiều đá vôi.
Khu Bo Ngoài của xóm Gia Phú cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sử dụng. Trên những thửa ruộng chằng chịt ti- ô to, nhỏ dài hàng trăm mét bà con kéo nước từ đồi về sử dụng. Theo người dân chia sẻ, mùa khô không chỉ khan hiếm nước mà còn lo ngại nguồn nước không đảm bảo an toàn để sử dụng. Do đó, việc sửa chữa lại công trình nước sạch là rất cần thiết.
Công trình được đầu tư tiền tỷ nhưng… thiếu thông tin
Qua trao đổi với đồng chí Bùi Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã Gia Mô được biết: Khi công trình đi vào hoạt động, UBND xã đã thành lập tổ vận hành tại chỗ. Tuy nhiên, sự cố hỏng hóc vượt tầm sửa chữa của xã. Khi công trình dừng hoạt động, tổ vận hành tự giải tán. Hiện nay, bà con trên địa bàn xã chủ yếu sử dụng nguồn nước ở các khe suối, mó nước và khoan giếng. Trước thực trạng công trình bị hư hỏng, UBND xã đã có tờ trình gửi Phòng NN&PTNT về vấn đề sửa chữa, khắc phục nhưng chưa có trả lời.
Đồng chí Đinh Công Thao, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Huyện đã nắm được thông tin về công trình nước sạch xã Gia Mô. Tuy nhiên, việc tìm lại các thông tin về công trình này gặp nhiều khó khăn do huyện không phải chủ đầu tư và thời gian xây dựng đã lâu. Việc đầu tư, sửa chữa lại công trình là phù hợp. Sắp tới phòng sẽ nắm lại thông tin, báo cáo lãnh đạo UBND huyện để sửa chữa lại công trình phục vụ bà con. Nếu được sửa chữa, công trình hoạt động trở lại sẽ đề xuất phương án quản lý, vận hành khác để đảm bảo công trình được duy tu, bảo trì thường xuyên.
Để có những thông tin cụ thể về công trình cấp nước sạch xã Gia Mô, PV Báo Hoà Bình đã trao đổi với Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh. Theo đồng chí Đặng Trung Thành, Giám đốc trung tâm: Công trình nước sạch xã Gia Mô do Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng, nghiệm thu đã bàn giao cho UBND huyện Tân Lạc quản lý. Do đầu tư đã lâu nên trung tâm chưa tìm lại được hồ sơ của công trình.
Từ ghi nhận thực tế và trao đổi với các cơ quan chức năng, có thể thấy một vấn đề rất đáng lưu tâm, đó là trách nhiệm trong quản lý, vận hành, duy tu thường xuyên và sửa chữa khi xảy ra sự cố với các công trình nước sạch sau đầu tư. Một công trình được đầu tư vài tỷ đồng, phục vụ cho hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh hoang hoá sau sự cố cháy máy bơm. Một hư hỏng nhỏ (so với giá trị công trình) nhưng không biết bên nào chịu trách nhiệm sửa chữa đã khiến công trình tiền tỷ rơi vào quên lãng.
Người dân xã vùng sâu Gia Mô rất mong mỏi công trình nước sạch này sẽ được sửa chữa. Trong bối cảnh xã đã về đích nông thôn mới thì việc được đầu tư công trình nước sạch là điều kiện để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí cũng như đảm bảo vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt để tránh lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước.
(HBĐT) - Sáng 5/6, Hội LHPN thành phố Hòa Bình phối hợp Hội LHPN phường Thống Nhất tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6 với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" tại tổ 9, phường Thống Nhất. Trên 30 hội viên phụ nữ tham gia chương trình.
(HBĐT) - Rác thải nhựa (RTN) đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, cùng với cả nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã triển khai các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ RTN.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 3/6, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 80m mm. Khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.
(HBĐT) - Mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh trải qua đợt nắng hạn kéo dài khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó, nhiều công trình nước sạch đã đầu tư không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên hoạt động kém hiệu quả.
(HBĐT) - Là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, gây thiệt hại về các công trình cũng như sản xuất, tài sản của nhân dân nên ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp và các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm "4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, các xã, thị trấn tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.