Ngày 26/12, UBND tỉnh ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND về chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn tỉnh.


Người dân xã Yên Phú (Lạc Sơn) che chăn chuồng trại, giữ ấm cho vật nuôi trong thời tiết giá rét.

Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rét đậm, rét hại. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới; nền nhiệt tiếp tục xuống thấp cùng với mưa phùn, độ ẩm cao và nguồn thức ăn khan hiếm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, sức đề kháng và sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, bảo vệ sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Công điện số 61/CĐ-BCH, ngày 13/12/2023 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm; đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương phối hợp với Sở GD&ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định.

Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; kịp thời tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, nhất là các xã vùng cao để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho nhân dân, cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động, phổ biến cho nhân dân các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, nhất là cho người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em… Những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện bảo đảm cho đàn gia súc tránh rét; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đồng thời, vận động người dân chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, bảo đảm đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông - Xuân.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; kịp thời hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng thiệt hại về người; thiệt hại cây trồng, vật nuôi lớn do chủ quan, lơ là, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét (nhất là rét đậm, rét hại), dịch bệnh cho người dân và cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

- Sở GD&ĐT có hướng dẫn cho các cơ sở GD-ĐT, UBND các huyện, thành phố trong việc nghỉ học của học sinh khi có rét đậm, rét hại và các diễn biến bất thường khác do giá rét... 

- Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. 

- Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân.

- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, rét đậm, rét hại để cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông truyền tải đến người dân biết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với rét đậm, rét hại, băng giá. 

- Đài PT&TH tỉnh, Báo Hòa Bình và các cơ quan truyền thông địa phương dành thời lượng, khung giờ hợp lý, có biện pháp tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét cho người và gia súc, gia cầm, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp… 

- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến rét đậm, rét hại, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.

- Căn cứ tình hình thực tế các thành viên Ban Chỉ huy được phân công phụ trách địa bàn các huyện, thành phố tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh phù hợp, hiệu quả…



P.V (TH)

Các tin khác


Thời tiết ngày 26/4: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/4, phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục