Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động nhằm nhìn lại chặng đường 65 năm phát triển của ngành - đặc biệt là giai đoạn 2006-2010 vừa qua, đồng thời khẳng định quyết tâm tăng tốc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện vào tối ngày 14/8. Ảnh: Thanh Hải.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện vào tối ngày 14/8. Ảnh: Thanh Hải.

Phát huy truyền thống hào hùng

Tối 14/8, Bộ TT&TT đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành bưu điện Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2010).

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã có bài diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử 65 năm truyền thống hào hùng của ngành. Trải qua hai cuộc chiến tranh gian khổ, ngành bưu điện đã có những đóng góp to lớn cả về sức người và sức của trong công cuộc đưa đất nước đến hòa bình, thống nhất. Phát huy truyền thống đó, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành bưu điện luôn đi đầu với những thành tựu đột phá và phát triển vượt bậc nhờ sự định hướng và chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Sau khi cách mạng kết thúc thắng lợi, trong 10 năm khôi phục kinh tế 1976 – 1985, ngành Bưu điện đã được tổ chức thống nhất trong cả nước. Hệ thống liên lạc viễn thông được hình thành trong phạm vi cả nước; Hệ thống bưu chính được thiết lập đến các xã, bản, thôn, ấp. Các dịch vụ điện báo, điện thoại, bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, phát hành báo chí được phục vụ đến các địa phương trong cả nước...

Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, cùng với chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” (1993 - 2000) và “Hội nhập và phát triển” (2001 - 2010), ngành bưu điện đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia với công nghệ hiện đại như hệ thống truyền dẫn qua vệ tinh, cáp quang, vi ba số cả trong nước và đi quốc tế, hệ thống tổng đài điện tử kĩ thuật số hoàn toàn tự động cả nội hạt, đường dài và quốc tế.

Tính đến 30/6/2010, mạng dịch vụ bưu chính toàn quốc có 18.728 điểm. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130,4 triệu máy. Toàn quốc đã có gần 25 triệu người sử dụng Internet đạt tỷ lệ gần 30% dân số. Tổng doanh thu ngành CNTT hàng năm đạt tăng trưởng trên 20%. Báo chí đã khẳng định được vai trò, vị trí to lớn đối với xã hội, là kênh thông tin giúp chính phủ điều hành...

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định toàn ngành quyết tâm thực hiện thành công chiến lược “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và truyền thông”, triển khai thực hiện tốt 7 nhiệm vụ cơ bản: Phát triển nguồn nhân lực CNTT&TT; phát triển công nghiệp CNTT coi đây là ngành kinh tế kĩ thuật trọng điểm; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin băng rộng; xây dựng triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để đưa thông tin về cơ sở; ứng dụng hiểu quả CNTT trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và toàn xã hội; phát triển doanh nghiệp và thị trường CNTT; chỉ đạo công tác Báo chí, Xuất bản theo hướng: trung thực, chuyên nghiệp và hướng thiện.

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược đó, Bộ trưởng kêu gọi công nhân viên toàn ngành đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống mười chữ vàng “Trung thành, Dũng cảm, Tận Tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”, tiếp bước truyền thống cha anh không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động “Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển”, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8, chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, TS. Mai Liêm Trực có lời phát biểu sâu sắc và ý nghĩa về những năm tháng hoạt động của Ngành: Ngành Bưu điện Việt Nam đã trải qua những năm tháng khó khăn và gian khổ, nhưng những người cán bộ của ngành hết sức tận tụy đã cống hiến xương máu và sức lực cho sự phát triển của ngành. Chúng ta tri ân những anh hùng liệt sĩ, những cán bộ của Ngành đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để đấu tranh và góp phần cho thắng lợi của đất nước ngày hôm nay. Chúng ta có thể tự hào Việt Nam đã là một nước tương đương với các nước khác về CNTT. Với lực lượng trẻ ngày hôm nay, tôi hy vọng và mong muốn ngành Bưu điện Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để 10 năm tới Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh về CNTT.

Thi đua thực sự là động lực

05 cá nhân của Bộ TT&TT được trao Huân chương lao động Hạng Nhì. Ảnh: Thanh Hải.
05 cá nhân của Bộ TT&TT được trao Huân chương lao động Hạng Nhì. Ảnh: Thanh Hải.

5 năm qua, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều phong trào thi đua điển hình như: Thi đua Đổi mới  công tác quản lý, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; Thi đua Lao động giỏi, Lao động Sáng tạo, Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật - quản lý mới; Thi đua đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; Thi đua tổc chức, giữ gìn an ninh chính trị, an toàn cơ quan đơn vị; Thi đua Xanh, Sạch, Đẹp, An toàn vệ sinh lao động; Thi đua xây dựng đời sống văn hoá, thể thao; Thi đua đền ơn, đáp nghĩa, xã hội, từ thiện...

Kết quả công tác khen thưởng, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong giai đoạn 2006-2010 đã có 03 tập thể, 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 91 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích dẫn đầu phòng trào thi đua hàng năm; 879 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ về thành tích dẫn đầu phong trào thi đua hàng năm; 01 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, 02 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất...

Tại Đại hội Thi đua của Bộ TT&TT giai đoạn 2006-2010 tổ chức sáng 15/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Huân chương lao động Hạng Nhì cho 05 cá nhân của Bộ TT&TT đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2006 - 2010 bao gồm Thứ trưởng Thường trực Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Trần Đức Lai, Nguyên Chánh văn Phòng Nguyễn Khắc Lập, Nguyên Chánh Thanh tra Nguyễn Thanh Hải và Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Nguyễn Ngọc Duyên.

Trước đó, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Đại hội Thi đua tổng kết phong trào 5 năm (2006 – 2010). Điều quan trọng là chúng ta tìm ra được những nhân tố xuất sắc nhất của cá nhân và tập thể trong 5 năm vừa qua, để tôn vinh, để học tập, để noi theo và để tự hào. Đồng thời trên nền tảng đó chúng ta nhìn ra những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, trong phát động, trong tổng kết các phong trào thi đua để từ đó xây dựng phong trào thi đua của thời 2011 – 2015 với những điều kiện cụ thể hơn, sát thực hơn, các chỉ tiêu phấn đấu cao hơn".

Quyết tâm trở thành nước mạnh về CNTT

Tại Đại hội Thi đua của ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã điểm qua những bước phát triển nổi bật của ngành thông tin và truyền thông: trong 10 năm qua, công nghiệp phần cứng tăng trưởng 8 lần, doanh số ngành phần mềm tăng 17 lần, nhân lực CNTT tăng 7 lần... Đây là cơ sở để 10 năm nữa (2020) Việt Nam có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng lưu ý: làm sao để công tác thi đua của ngành phải gắn với cạnh tranh của doanh nghiệp; thi đua phải bền vững, phải động viên bằng cả tinh thần và vật chất đối với  từng cá nhân và tập thể mới tạo ra động lực thực sự cho người lao động; làm sao phải đảm bảo nguyên tắc: thi đua và cạnh tranh đồng nghĩa với lợi ích, cá nhân có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp phải được lợi, tương tự, doanh nghiệp làm lợi cho đất nước cũng phải được lợi.

Với những tác dụng to lớn mà công tác nghiên cứu khoa học mang lại, Phó Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp nên dành 0.5% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tưởng cho biết, nghiên cứu khoa học sẽ là một đặc trưng trong cơ cấu doanh nghiệp lớn về CNTT - TT.

Phó Thủ tướng lưu ý ngành trong giai đoạn tới bên cạnh các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển các lĩnh vực truyền thống là Viễn thông - CNTT cần làm thế nào để góp phần xây dựng văn hoá gia đình và văn hoá dân tộc thông qua các chương trình, hướng dẫn giữ được gia đình bền vững, phát triển gia đình qua công cụ thông tin, truyền thông.

Phó Thủ tướng tin tưởng với truyền thống của ngành, 10 năm tới, đất nước ta sẽ trở thành đất nước mạnh về CNTT-TT.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã thay mặt lãnh đạo Bộ tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ cụ thể hoá những định hướng này thành chương trình hành động cụ thể, phù hợp với thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã phát động công tác thi đua giai đoạn 2011 – 2015 để động viên mọi nguồn lực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Ngành giai đoạn 2010 - 2015 trước mắt là hoàn thành kế hoạch năm 2010.

                                                                                       Theo Vnn

Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục