Lò gạch dã chiến tại khu vực dân cư xóm Bày, xã Quy Hậu (Tân Lạc)

Lò gạch dã chiến tại khu vực dân cư xóm Bày, xã Quy Hậu (Tân Lạc)

(HBĐT) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trước ngày 31/12/2010, nhưng đến nay, người dân xóm Bày và Hồng Dương, xã Quy Hậu (Tân Lạc) vẫn ngày đêm phải hít thở bầu không khí sặc sụa mùi khói lò khét lẹt.

 

Theo con đường liên xã đoạn qua xóm Bày, xã Quy Hậu đầy ổ voi, ổ gà, chúng tôi đã mục sở thị xóm lò gạch. Chỉ trên một khu đất mà đếm sơ sơ có đến 13 lò gạch thủ công, trong đó có gần chục lò đang rực lửa, ngùn ngụt nhả khói mù mịt bao phủ cây cối, xóm làng. Đáng chú ý là có một số lò gạch dã chiến đắp tạm bợ, không vỏ lò, không ống dẫn khói. Khu đất Cò Lau trên 6.000 m2 nham nhở những hố sâu đọng nước, đất màu bị khoét, cày xới. Cách lò gạch chỉ hơn 40 m, mỗi khi có luồng gió, gia đình ông Đỗ Trọng Tuấn lại bị phủ kín thứ khói lò nồng nặc. “Các lò gạch nhả khói ngày cũng như đêm làm chúng tôi ăn, ngủ không yên. ở trong nhà, chỉ trừ lúc ăn cơm là bất đắc dĩ phải bỏ đeo khẩu trang, chấp nhận cơm trộn khói lò. Không riêng gì tôi, nhiều người hàng xóm đều thường xuyên bị ho khan, viêm đường hô hấp. Cây cối trong vườn còn bị táp, vàng uột. Nhà lúc nào cũng phải cửa đóng, then cài, bịt kín lỗ thoáng mà vẫn không tránh được khói” - ông Tuấn giãi bày sau hơn 10 năm sống chung với khói lò gạch. Cách nhà ông Tuấn hơn 100m, gia đình anh Bùi Văn Tình cũng chung nỗi khổ vì khói lò. Biết tin chúng tôi tìm hiểu về ảnh hưởng của khói lò gạch, hơn chục người từ trưởng xóm, bí thư chi bộ, công an viên, trưởng ban mặt trận đến người dân cùng tập trung tại khu lò gạch và bày tỏ bức xúc. Trưởng xóm Bùi Đăng Năm cho biết: Từ năm 2000, các lò gạch đua nhau xuất hiện và thi nhau nhả khói.  Xóm có gần 23 ha đất lúa thì chỉ cấy được 1 vụ, vụ đông đúng vào thời điểm lò gạch nhả khói nên hầu như không canh tác được. Trên 30 hộ dân thường xuyên bị khói lò hun.

Không chỉ riêng xóm Bày mà người dân xóm Hồng Dương cũng khổ vì khói lò gạch. Con đường từ xóm nối ra thị trấn Mường Khến qua các lò gạch cứ mờ khói như làn sương mù.

Ông Phạm Văn Phong, Bí thư chi bộ xóm Bày cho biết: Tất cả các lò gạch đều là lò thủ công, dã chiến, khí thải phát ra đậm đặc khiến người dân luôn sống trong môi trường ô nhiễm. Một chủ có đến mấy cửa lò luân phiên đốt, mỗi mẻ từ 8 - 10 vạn viên nên ngày nào cũng có khói phả lên. Các lò hoạt động vào mùa khô từ khoảng tháng 10 năm trước đến hết tháng 6 năm sau. Không chỉ có vậy, việc vận chuyển gạch còn tàn phá con đường liên xã, làm sập mương thủy lợi, phá bờ suối Bày, múc đất sát mố cầu Cò Lau, ảnh hưởng đến sản xuất và công tác PCLB khi mùa mưa đã đến. Tháng 11/2010, cận kề ngày hết hạn việc chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công mà 2 lò gạch dã chiến của Nguyễn Đăng Năm vẫn mọc lên.

Trước tình trạng trên, người dân đã nhiều lần phản ánh, làm đơn gửi lên xã nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ngày 23/12/2010, UBND huyện Tân Lạc đã có Công văn số 511 gửi UBND các xã, thị trấn về việc cấm sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công. Trao đổi với Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Lê Chí Huyên được biết, huyện kiên quyết giải quyết vấn đề này. Mới đây, ngày 28/1/2011, UBND xã Quy Hậu đã triệu tập các chủ lò gạch đến và tổ chức ký bản cam kết chấp hành quyết định trên. Trước thông tin này, người dân rất phấn khởi nhưng đã đến cuối tháng 4/2011, khi chúng tôi về tìm hiểu thì các lò gạch vẫn nhả khói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hồng Như, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu phân trần: Các lò gạch đã góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Quyết định chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công trước năm 2010 đã được thông báo cho các chủ lò nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. ông Như cũng trả lời không rõ ràng khi được hỏi về cơ quan và thời gian cấp phép cho các lò gạch dã chiến mới hoạt động trên khu đất 5% Cò Lau tại xóm Bày. Đông đảo người dân xóm Bày, xóm Hồng Dương đều mong muốn chính quyền sớm có biện pháp xóa bỏ những lò gạch gây ô nhiễm để đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống.  

                                                                                          Cẩm Lệ 

 

Các tin khác


Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục