Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Tân Lạc thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Tân Lạc thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối.

(HBĐT) - Xây dựng NTM, một trong những chương trình mục tiêu quốc gia lớn đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội bởi kết quả nó mang lại sẽ tạo bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì lẽ đó, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh ta đang đẩy mạnh chương trình này. Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai xây dựng NTM trong 2 năm qua ở tỉnh ta, phóng viên Báo Hoà Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh (Ban chỉ đạo 800 tỉnh).

 

PV: Với vai trò là Phó thường trực Ban chỉ đạo 800 tỉnh, đồng thời là người trực tiếp đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, đồng chí đánh giá như thế nào về việc triển khai xây dựng NTM ở tỉnh ta?  

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng: Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định; đặc biệt là công tác tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân; tổ chức bộ máy quản lý, vận hành chương trình từ tỉnh đến cơ sở đã cơ bản hoàn thành; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; các chương trình, dự án được quan tâm chỉ đạo lồng ghép để xây dựng NTM tại các xã. Cụ thể:  

Đến hết tháng 9/2012 đã có 191/191 xã đã thành lập Ban Quản lý cấp xã; 178 xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp xã và 1.737/1.737 thôn, xóm, bản thành lập Ban phát triển thôn; 191 xã trong tỉnh đã được UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác quy hoạch xây dựng xã NTM, số xã đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng xã NTM được UBND huyện phê duyệt là 78 xã; 97 xã đã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn được UBND huyện, thành phố phê duyệt.  

Công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân nông thôn được quan tâm chỉ đạo đến nay đã có trên 100 mô hình sản xuất, phát triển HTX và ngành nghề nông thôn, được triển khai gồm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, phát triển HTX với tổng kinh phí hỗ trợ từ chương trình trên 7,7 tỷ đồng.  

Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm chỉ đạo tập trung cho các hạng mục làm đường GTNT, giao thông nội đồng và xây dựng kênh mương nội đồng với tổng kinh phí  hỗ trợ từ chương trình trên 22 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình, dự án được chỉ đạo đầu tư lồng ghép cho khu vực nông thôn trong 2 năm qua trên 1.800 tỷ đồng.  

PV: Trong xây dựng NTM, vấn đề có tính quyết định trước tiên là làm tốt công tác quy hoạch. Tuy nhiên, từ nhận thức đến cách làm trong thực tế, ở nhiều nơi đang có những hạn chế. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân và tỉnh ta phải làm gì để khắc phục thực trạng này?  

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng: Từ kết quả nêu trên cho thấy, công tác triển khai lập quy hoạch xây dựng NTM của các xã trong tỉnh đã chậm so với nhiệm vụ kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả vẫn là chất lượng với tầm nhìn lâu dài của quy hoạch, vì quy hoạch xây dựng NTM phải xuất phát từ xã, thể hiện nguyện vọng của nhân dân, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất tạo điều kiện để nâng cao thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.  

Đây là vấn đề quan trọng nhưng trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương chưa tập trung chỉ đạo công tác này, còn phó mặc cho đơn vị tư vấn thiết kế, công tác khảo sát đo đạc thiếu chính xác, chất lượng quy hoạch không cao, điều đáng lo ngại là quy hoạch của xã thiếu ăn nhập, phù hợp với quy hoạch chung của huyện, quy hoạch của vùng nối liền hệ thống giao thông thuận lợi, cấp thoát nước, môi trường giữa các xã trong huyện, mạnh xã nào xã đó làm, chưa được bàn bạc thống nhất chung trong huyện.  

Khó khăn chung của công tác quy hoạch ở nông thôn là nhiều xã, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn có nhiều hạn chế, khu trung tâm xã không có điều kiện mở rộng, nhiều xã thiếu sân vận động, nhà văn hóa, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, nghĩa địa, hệ thống giao thông, thủy lợi còn chắp vá nên khi quy hoạch chi tiết rất khó khăn. Căn cứ vào các tiêu chí đề ra nên khi quy hoạch còn gò bó, cứng nhắc, tính khả thi kém, hiệu quả sử dụng thấp, một số nơi tính toán chưa đầy đủ, nhân dân chưa đồng tình, nhất trí.  

Từ tình hình thực tế trên đây cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số biện pháp sau:  

Một là. Tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, nội dung xây dựng NTM.  

Hai là. Lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương nhưng cũng phải bảo đảm tính thống nhất phù hợp với quy hoạch chung của huyện và của vùng.  

Ba là. Quy hoạch phải được tiến hành đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quy hoạch phải phát hiện được tiềm năng của địa phương, tạo được cảnh quan và phải giữ được những nết văn hóa truyền thống tốt đẹp, từ đó, cụ thể hóa được quy hoạch sản xuất hay còn gọi là tái cấu trúc ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp giá trị cao. Đồng thời làm cơ sở cho công nghiệp phát triển nhằm tạo ra việc làm mới, kinh tế mới và thu nhập mới cho người nông dân.  

Bốn là. Quy hoạch phải bảo đảm dân chủ, công khai để mọi người dân được biết và tham gia đồng tình ủng hộ. Trong quy hoạch cần chú ý dựa vào các tiêu chí NTM đề ra chọn những việc gì cần thì làm để bảo đảm tiêu chuẩn nhưng phải có phân kỳ đầu tư hợp lý, tránh dàn trải, gây lãng phí, tốn kém. 

PV: Chúng ta đã nói nhiều đến việc làm gì để có NTM, vấn đề còn lại là làm như thế nào. Để trả lời câu hỏi ấy phải giải cho được bài toán nguồn lực. Vậy xin đồng chí cho biết, cần có những giải pháp nào để huy động tối đa các nguồn lực vào xây dựng NTM?  

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng:  Nguồn lực vừa là điều kiện, vừa là động lực trong xây dựng NTM. Nghị quyết T.ư 7 đã chỉ rõ: nguồn lực của nhân dân là chính, nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp là quan trọng và nguồn lực của Nhà nước là cần thiết.  

Nhấn mạnh trước hết đến nguồn lực nhân dân là phù hợp, vì đây là chương trình lớn, mục đích chính là hướng đến người nông dân để nâng cao đời sống cho họ. Hơn nữa, nguồn lực của Nhà nước là không đủ để đầu tư cho tất cả các địa phương nên chắc chắn phải huy động trong dân. Tuy nhiên, trong việc huy động, các địa phương cần lưu ý đến sức dân, tránh gây ra gánh nặng cho họ. Thực tế, đây là việc khó vì để thực hiện thành công xây dựng NTM theo quy hoạch, mỗi xã cần đến vài trăm tỉ đồng, nhưng qua đi thực tế ở một số địa phương cho thấy, quan trọng vẫn là cách làm. Chẳng hạn như ở xã điểm Yên Mông đã sáng tạo trong huy động nguồn lực nhân dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, công trình kênh mương. Ngoài ra, một số nơi còn tiến hành đổi điền, dồn thửa để dân có nguồn đất sản xuất và gom đất để tạo quỹ đất công ích, trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chuyển nhượng và tạo ra nguồn lực...  

Nói đến nguồn lực quan trọng là nói đến một nguồn lực lớn từ xã hội, bằng sự góp sức của người dân, đặc biệt là của doanh nghiệp và con em quê hương thành đạt. Trong đó, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về địa phương là cơ bản, vừa góp phần tạo việc làm mới, vừa huy động họ tham gia XDNTM. Muốn vậy, địa phương phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại, làng nghề theo hướng công nghiệp, mở rộng kinh doanh hộ cá nhân theo hướng công nghiệp nhỏ... sẽ góp phần hình thành nền kinh tế nông - công nghiệp nông thôn bền vững.  

Nguồn lực từ Nhà nước sẽ là nguồn lực tạo đà, tạo niềm tin bởi có nguồn hỗ trợ này như bánh xe tạo đà cho sự phát triển sẽ chuyển động, đồng thời xác định với người dân rằng, Nhà nước nói luôn đi đôi cùng việc làm. Không chỉ hỗ trợ bằng vật chất mà Nhà nước còn phải hỗ trợ địa phương trong quy hoạch, đào tạo cán bộ, định hướng lồng ghép các chương trình quốc gia...  

Việc huy động đồng thời và hiệu quả cả 3 nguồn lực nêu trên nhằm tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, tránh sự trông chờ, ỷ lại từ cơ sở, đồng thời huy động toàn xã hội vào công cuộc xây dựng NTM hiện nay.  

Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là hết sức chăm lo đến đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã để họ đủ sức làm chủ công cuộc xây dựng NTM; là nâng cao ý thức về quyền và trách nhiệm làm chủ của người nông dân trong xây dựng, quản lý và hưởng thụ sự ưu việt của NTM. Bởi lẽ, dù có xây dựng tốt cơ sở hạ tầng, có xây dựng được nền nông nghiệp cao nhưng năng lực quản lý và trách nhiệm làm chủ của cán bộ, nhân dân không được nâng lên, mục đích và hiệu quả của cả quá trình cũng không thể đạt được.  

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                    Đinh Thắng (thực hiện)

 

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục