Ngầm Bãi Nai, tỉnh lộ 446 đoạn qua xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) nơi anh Đinh Văn Nhân đã bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong đêm 28/7 chỉ còn duy nhất một chiếc cọc tiêu.

Ngầm Bãi Nai, tỉnh lộ 446 đoạn qua xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) nơi anh Đinh Văn Nhân đã bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong đêm 28/7 chỉ còn duy nhất một chiếc cọc tiêu.

(HBĐT) - Chỉ trong vòng hơn một tuần (từ 26/7 đến 3/8), mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của 5 người xấu số ở các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Cao Phong, Đà Bắc. Đáng lưu tâm là cả 5 trường hợp gặp nạn đều do chủ quan, bất cẩn khi đi quan ngầm tràn trong dòng nước chảy xiết mặc dù ở khu vực này đều có biển báo nguy hiểm.

 

Xin điểm lại một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trên địa bàn tỉnh: Đêm 28/7 mưa to kéo dài đã gây ra lũ lớn trên suối Bẵn (Mông Hóa - Kỳ Sơn) cướp đi sinh mạng của anh Đinh Văn Nhân, trú tại xóm Mon (Phúc Tiến) khi đi qua ngầm Bãi Nai thuộc tỉnh lộ 446. Vào khoảng 16 giờ ngày 3/8, trên đường đi công tác anh Nguyễn Đăng Huấn, cán bộ Hạt Kiểm lâm Đà Bắc đã bị lũ cuốn trôi và tử vong khi đi qua ngầm suối Trầm, (Tân Minh- Đà Bắc). 17 giờ ngày 3/8, tại cầu ngầm Suối Bản, xóm Lãi, (Tây Phong - Cao Phong), lũ lớn chảy xiết đã cuốn trôi và cướp đi sinh mạng 2 vợ chồng anh Bùi Văn Nhân và chị Ngô Thị Mai, trú tại xóm Nam Sơn 2, xã Thu Phong…

 

Sau khi xảy ra những sự cố đáng tiếc, các địa phương đã tổ chức tìm kiếm, thăm viếng và trích ngân sách hỗ trợ gia đình nạn nhân làm thủ tục mai táng. Tuy nhiên, không có gì có thể bù đắp được cho nỗi đau của những gia đình đã mất người thân. Qua những sự việc đáng tiếc đó cũng giúp cho mọi người rút ra được bài học đắt giá khi tham gia giao thông qua hệ thống ngầm tràn trong mùa mưa lũ.

 

Trở lại ngầm suối Trầm (Tân Minh), nơi anh Huấn đã bị lũ cuốn trôi chiều ngày 3/8, ông Lê Xuân Cử, Giám đốc Đoạn quản lý đường bộ I cho biết: “Đường tỉnh 433 trên địa bàn huyện Đà Bắc có tới 23 ngầm tràn. Khi mưa lớn kéo dài, nước từ đầu nguồn kéo về rất nhanh, dâng cao và chảy xiết nên người và phương tiện đi qua các ngầm tràn nếu chủ quan, bất cẩn sẽ rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, đơn vị đã lắp đặt cột thủy chí ở 2 đầu ngầm nhằm giúp mọi người nắm bắt được mức độ nguy hiểm khi có mưa lũ. Đồng thời, bố trí lực lượng và đặt biển báo nguy hiểm để nhắc nhở mọi người thận trọng khi qua ngầm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra mà nguyên nhân chính là do nạn nhân chủ quan, không có kinh nghiệm hoặc không tuân thủ sự hướng dẫn của lực lượng chức năng và hệ thống biển báo”.

 

Ông Lường Văn Ứng, ở xóm Mít (Tân Minh) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi chứng kiến anh Huấn bị lũ cuốn trôi: “Nhà ở gần ngầm suối Trầm đã hàng chục năm nên nhìn mực nước chúng tôi biết có thể đi qua được hay không. Mùa mưa lũ, tôi thường ra đầu ngầm để nhắc nhở mọi người, vì lũ ở đây kéo về rất đột ngột. Có lần trên địa bàn xã tạnh ráo nhưng nước lũ từ thượng nguồn vẫn ùn ùn kéo về. Cách đây gần 20 năm, anh Cường làm nghề thợ mộc đã bị chết tại ngầm này do lũ cuốn trôi. Anh Huấn bị lũ cướp đi sinh mạng cũng là trường hợp hết sức đáng tiếc vì chính tôi đã nhắc nhở, nhưng khi thấy có một chiếc ô tô đi qua được, anh Huấn đã lên xe máy đi và đến giữa ngầm thì bị dòng nước hung dữ cuốn trôi”.

 

Trở lại ngầm Bãi Nai trên tỉnh lộ 446, nơi anh Nhân, bị lũ cuốn đêm 28/7, ông Phạm Hồng Nghiệp, Hạt trưởng Hạt giao thông Bãi Nai cho biết: “Tuyến đường do Hạt phụ trách dài 13,2km nhưng có đến 7 ngầm tràn. Với chức năng nhiệm vụ được giao, khi nhận được thông tin có mưa bão, đơn vị đã bố trí biển cảnh báo nguy hiểm và lực lượng túc trực ở các ngầm tràn để nhắc nhở người tham gia giao thông qua lại. Trường hợp anh Nhân đã được  chúng tôi và người dân sở tại cảnh báo, nhưng do tìm xe máy ở khu vực hạ lưu ngầm tràn đúng lúc lũ lớn ập về nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc”.

 

Những hiểm họa trong mùa mưa bão ở các ngầm tràn không chỉ do sự chủ quan, bất cẩn của người tham gia giao thông mà còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Ông Lường Văn Ứng ở xóm Mít, xã Tân Minh cho biết thêm: “Do địa hình đồi núi độ dốc lớn, nên khi có mưa bão suối lớn, suối nhỏ trên địa bàn thường xảy ra lũ quét.  Dòng nước cuồn cuộn kéo theo đất đá, gỗ củi, bương luồng khi đến thượng lưu ngầm tràn mắc lại ở cửa cống trở thành lực cản khiến dòng nước càng chảy xiết và trở nên nguy hiểm hơn. Thêm nữa, hệ thống ngầm tràn đã được xây dựng từ lâu nên cọc tiêu dọc 2 bên ngầm hầu như đã bị phá hỏng nguyên nhân chủ yếu do lũ lớn, ô tô đâm đổ gẫy, tệ hại hơn có nơi kẻ xấu còn đập cọc tiêu lấy sắt đem bán… khiến người qua lại rất  khó phân biệt ranh giới an toàn”. Cùng với những vấn đề ông Ứng nêu, qua thực tế tìm hiểu một số ngầm tràn trên địa bàn tỉnh sau cơ bão số 5 vừa qua, chúng tôi thấy khu vực thượng lưu của không ít ngầm tràn là nơi tập kết lâm sản của người dân địa phương. Tệ hại hơn, ngầm tràn còn là nơi một số người dân địa phương lợi dụng đổ rác, vật liệu xây dựng phế thải làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như việc thoát nước khi có mưa lũ.

 

Trước thực tế trên, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đánh giá: Những trường hợp bị lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong khi đi qua các ngầm tràn nguyên nhân một phần do người tham gia giao thông  chủ quan, bất cẩn, một phần do chính quyền địa phương, Ban chỉ huy PCLB&TKCN cấp xã chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đồng thời yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các huyện chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm giao thông trên địa bàn bị ngập úng, có nước chảy xiết,các điểmcó nguy cơ sạt lở đất phải cắm biển cảnh báo, cấm người dân đi lại khi nước chảy xiết hoặc có biện pháp đảm bảo ATGT. Cần thiết phải bố trí người canh trực 24/24h tại các vị trí nguy hiểm. Tuyệt đối không để người dân tự ý đi quan khi không đảm bảo an toàn.

 

Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh và sớm phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền sở tại khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống ngầm tràn trên các tuyến giao thông chắc chắn sẽ hạn chế được thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

                                                                             

 

 

                                                                  Đức Phượng

 

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục