Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã xin lỗi Hội đồng xét xử, xin lỗi đại diện Viện Kiểm sát do đã nhất thời không vượt qua được chính mình, tại phiên tòa đã thay đổi lời khai của mình.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nói lời sau cùng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 24/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), các bị cáo đã nói lời sau cùng tại phiên tòa.
Hầu hết các bị cáo đều gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, đến đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đến nhân dân, đến cán bộ ngành thông tin và truyền thông, đến cán bộ nhân viên MobiFone, gia đình và người thân… vì những sai phạm đáng tiếc mà các bị cáo đã gây ra.
Đồng thời, bày tỏ sự cảm ơn đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã khách quan, dân chủ, công tâm trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bày tỏ sự cảm ơn đến Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố đã tạo điều kiện cho bị cáo được khai báo một cách khách quan về vụ án.
Bị cáo Son cảm ơn Hội đồng xét xử trong những ngày qua đã điều khiển phiên tòa một cách công tâm, khách quan, dân chủ, tạo điều kiện về thời gian cho bị cáo được trình bày và bào chữa cho bị cáo.
Đặc biệt, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã xin lỗi Hội đồng xét xử, xin lỗi đại diện Viện Kiểm sát do đã nhất thời không vượt qua được chính mình, tại phiên tòa đã thay đổi lời khai của mình, rất mong Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát lượng thứ cho bị cáo.
Đánh giá cao về MobiFone là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của đất nước, là một trong những doanh nghiệp thuộc tốp đầu, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước… bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, thành công của MobiFone không chỉ là của cán bộ nhân viên MobiFone, mà còn có nhiều công lao đóng góp của những cán bộ chủ chốt đang ngồi tại phòng xét xử này, vì vậy, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là những cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, tạo điều kiện cho các bị cáo này có thể được trở về ngay, hoặc sớm được trở về để tiếp tục đóng góp cho MobiFone, cho xã hội.
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Nhắc đến số tiền khắc phục hậu quả của vụ án được thu hồi thậm chí còn nhiều hơn số tiền thiệt hại trong vụ án, bị cáo Nguyễn Bắc Son đánh giá cao công sức và sự tự nguyện của bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) đã tích cực khắc phục hậu quả trong vụ án, có nhiều thành tích trong các hoạt động thiện nguyện, tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao nhân dân…
"Vì vậy, cá nhân tôi tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử khoan hồng cho bị cáo Phạm Nhật Vũ" - bị cáo Nguyễn Bắc Son trình bày.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, trong các vụ án kinh tế, việc thu hồi tài sản về cho Nhà nước là điều quan trọng. Cơn bão đi qua "ngôi nhà MobiFone," ngôi nhà có thể xiêu vẹo, nhưng két sắt vẫn còn, toàn bộ số tiền thiệt hại đã được thu hồi đầy đủ, nguồn vốn vẫn còn để MobiFone tiếp tục phát triển đi lên.
Cho rằng đây là bài học đắt giá cho cá nhân trong hơn 40 năm công tác, hơn 40 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, bị cáo Nguyễn Bắc Son hứa sẽ cùng gia đình cố gắng khắc phục triệt để 100% hậu quả trong vụ án.
Bị cáo thỉnh cầu Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét về những đóng góp của gia đình, ghi nhận những tấm Huân, huy chương cao quý, truyền thống của gia đình… cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, để sớm được trở về với gia đình trong những năm cuối của cuộc đời.
Nói lời sau sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) xót xa chia sẻ trong suốt 41 năm công tác, 10 năm trong quân ngũ, 27 năm làm công tác tuyên giáo của Đảng và 4 năm làm việc tại ngành Thông tin và Truyền thông, bị cáo chưa từng nghĩ mình có một cái kết cay đắng như tại phiên tòa hôm nay.
Những sai phạm của bị cáo cũng như các bị cáo khác tại phiên tòa đã được làm rõ trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo đã thấy rõ trách nhiệm của mình, nhận thức rõ những sai phạm của mình.
Bị cáo Trương Minh Tuấn ý thức được những sai phạm của bị cáo rất nặng nề. Tuy chưa biết rõ mức án cho bị cáo sắp tới mà Hội đồng xét xử sẽ tuyên, song bị cáo Trương Minh Tuấn cho rằng mức án đó là xứng đáng với những gì mà bị cáo đã gây ra. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trước khi để xảy ra vụ án này, cá nhân bị cáo Trương Minh Tuấn chưa bao giờ mắc sai phạm, vì vậy bị cáo mong được Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét cho bị cáo.
Bị cáo Trương Minh Tuấn đề đạt việc dám nói ra sự thật, nói ra tất cả những góc khuất cần được đánh giá cao, cần được xem xét giảm nhẹ hình phạt hơn so với những người không nói ra sự thật, đó còn là sự khoan dung. Điều này là sự khuyến khích cho sự thật tiếp tục được phanh phui, làm rõ ở nhiều vụ án khác.
Cũng trong phần trình bày của mình, bị cáo Trương Minh Tuấn đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát xem xét, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn cụ thể, chi tiết thủ tục pháp lý có liên quan trong quá trình thực hiện các dự án; hoàn thiện quy chế làm việc trong các cơ quan Nhà nước để có sự phân công phân nhiệm rõ ràng, phân định rõ chức năng, chức trách của người lãnh đạo, quản lý… hạn chế những sai phạm tương tự có thể xảy ra.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Đây là bài học của các cơ quan nhà nước nói chung. Thêm một bài học đắt giá khác, đó là quy chế tập trung dân chủ, nếu ta phát huy tốt quy chế tập trung dân chủ thì chưa chắc đã có ngày các bị cáo phải ngồi đây và nói những lời sau cùng như thế này"./.
Theo TTXVN
(HBĐT) - Thời gian qua, Công an các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh quan tâm triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ; hồ sơ theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ về áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với các đối tượng.
(HBĐT) - Năm 2019, các đơn vị chức năng Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức vận động nhân dân tự nguyện giao nộp, thu hồi được 499 khẩu súng tự chế các loại, 195 viên đạn, 32 xung kích điện, 163 vũ khí thô sơ.
(HBĐT) - Thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, trong năm 2019, Công an tỉnh đã mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 240 cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) trong diện tăng cường cho Công an xã.
(HBĐT) - Trong năm 2019, lực lượng Công an xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra ngay tại cơ sở, tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhờ đó, tình hình ANCT được giữ vững, ổn định, không có điểm nóng phức tạp nổi lên và vụ việc đột xuất, bất ngờ xảy ra.
(HBĐT) - Nhằm triển khai thực hiện Đề án xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn không có ma túy, BTV Huyện ủy Yên Thủy đã ban hành Chỉ thị số 17 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT. UBND huyện ban hành Kế hoạch số 113 nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của BTV Huyện ủy.
(HBĐT) - Ngày 20/12, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Mai Chúc (SN 1975), trú tại thị trấn Bo (Kim Bôi) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, Khoản 3, Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 175; điểm b, Khoản 1, Khoản 2 Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.