Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông(Công an tỉnh) kiểm tra nồng cồn người tham gia giao thông.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, bước vào năm 2020, các cấp,ngành, địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu bia, không lái xe”. Đặc biệt, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu năm đã cận kề, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch tuần tra kiểm soát vào các khung giờ cao điểm tại các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về ATGT, nhất là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100 của Chính phủ.
Thượng tá Đinh thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng CSGT (Công antỉnh) cho biết: Theo Kế hoạch của Cục CSGT, ngày 15/12/2019, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh đã tổ chức ra quân đợt cao điểm đảm bảo ANTT –TTATGT dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý cũng như các lễ hội đầu năm 2020. Trên lĩnh vực giao thông đường bộ,CSGT tập trung tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và các hành vi vi phạm khác. Bên cạnh đó, CSGT tập trung vào các đối tượng kinh doanh hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông và các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa.
Trong 7 ngày ra quân, từ 1-7/1/2020, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh đã phát hiện 28 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 3 trường hợp điều khiển ô tô, 25 trường hợp điều khiển mô tô. Trong đó có 25 trường hợp vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Qua đó, tạm giữ 28 ô tô, mô tô, xử phạt vi phạm hành chính 4,5 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 1 trường hợp. Riêng ngày 8/1, 1 trường hợp lái xe mô tô vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở đã bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 tháng và giữa xe 7 ngày. Việc điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt trong Nghị định số 100 tập trung chủ yếu vào các hành vi vi phạm phổ biến, là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT xảy ra. Trong đó, mức xử phạt tăng nặng cao nhất là các hành vi vi phạm nồng độ lên đến 40 triệu đồng đối với lái xe ô tô, 8 triệu đồng đối với lái xe máy. Tuy mức phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn tăng rất cao, nhưng qua theo dõi cho thấy đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ đối với những thay đổi này.
Ông Nguyễn Viết Nam, tổ 5 phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: Nhiều gia đình đã mất đi người thân, nhiều người trở thành tàn phế, kinh tế tụt hậu, con cái bơ vơ vì TNGT… Một trong những nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia. Vì vậy, tôi đồng tình với việc triển khai thực hiện Nghị định số 100 của Chính phủ.
Ông Bùi Văn Phương, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) chia sẻ: Cần phải nghiêm trị những người không tuân thủ luật giao thông, lên án những hành động không đúng chuẩn mực khi tham gia giao thông.Theo tôi, mỗi người trong chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ những hành động của mình khi tham gia giao thông, tự giác học luật và thực hiện đúng nguyên tắc mỗi khi xuống đường để đảm bảo cho sự an toàn của chính bản thân của mình và những người xung quanh.
Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, các cấp, ngành trong công tác phòng ngừa, kiềm chế, giảm thiểu tối đa TNGT xảy ra liên quan đến vi phạm nồng độ cồn; mục đích nhằm thay đổi, tác động mạnh mẽ tới nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện đối với việc sử dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, đã một số ý kiến trái chiều như việc ăn một số loại hoa quả ví dụ như vải hay uống siro ho cũng cho ra kết quả hơi thở có nồng độ cồn và có thể vẫn bị phạt là quá vô lý. Thượng tá Đinh thị Thu Hằng,Phó trưởng Phòng CSGT chia sẻ: Quá trình thực thi công vụ, lực lượng chức năng không chỉ sử dụng máy đo nồng độ cồn. Trong trường hợp cần thiết, ngành y tế sẵn sàng tham gia để xét nghiệm máu. Sau 30 phút sẽ có kết quả hoàn toàn chính xác nguyên nhân người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong hơi thở để giải quyết cho phù hợp.
Thực tế cho thấy, việc tuần tra kiểm soát, xử lý đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn củalực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Đã có trường hợp người sử dụng rượu,bia không kiểm soát được hành vi đã có hành động, lời nói chống đối lại lực lượng thực thi công vụ. Nhiều trường hợp quay đầu bỏ chạy, nêu truy đuổi sẽ gây nguy hiểm cho đối tượng và người tham gia giao thông cũng như lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, trang thiết bị của lực lượng chức năng còn thiếu, nhất là máy đo nồng độ cồn, cần phải được trang bị thêm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
TNGT đã và đang mang đến nhiều bi kịch cho các gia đình và gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Vì vậy, mỗi người hãy sống trách nhiệm và có ý thức với chính bản thân, gia đình và xã hội bằng việc tôn trọng các quy định pháp luật, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, tuyệt đối "Đã uống rượu, bia - không lái xe” để góp phần xây dựng môi trường giao thông ngày càng an toàn hơn.
Đức Phượng