Công an huyện Tân Lạc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hành phòng cháy, chữa cháy tại trường mầm non Mường Khến, thị trấn Mãn Đức.
Tại siêu thị điện máy Thái Dương, khu Tân Hoà, thị trấn Mãn Đức có hàng trăm mặt hàng điện tử tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Do đó, từ khi được Công an huyện hướng dẫn, siêu thị đã có các biện pháp đề phòng cháy, nổ, phương án thoát hiểm, lượng hàng hóa nhập về kho cũng ở mức vừa phải, không tích trữ nhiều, không còn tình trạng hàng hóa để đầy tràn che lối thoát hiểm... Anh Nguyễn Thái Dương, chủ siêu thị chia sẻ: Siêu thị thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC, trang bị các bình PCCC. Chú trọng quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động. Trong kho chứa hàng sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và thoát nạn, ngăn cháy, chống cháy lan; đảm bảo an toàn trong việc xuất nhập hàng hóa và sử dụng điện.
Theo thống kê, toàn huyện có khoảng hơn 500 cơ sở thuộc quản lý nhà nước trong PCCC, trong đó, Công an huyện quản lý trên 100 cơ sở, còn lại bàn giao cho các xã, thị trấn quản lý. Đại uý Bùi Tiến Lâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện) cho biết: Xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, Công an huyện chỉ đạo tích cực tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc phòng chống cháy nổ, PCCC nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản, nội dung Luật Phòng cháy và chữa cháy đến mọi tổ chức, cá nhân. Theo đó, từ tháng 7/2021 đến nay, Công an huyện đã tổ chức 43 buổi tuyên truyền trực tiếp với 2.079 lượt người tham gia; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp chi bộ, thôn, xóm, khu dân cư 484 buổi; tuyên truyền 4.899 lượt qua hệ thống phát thanh của xã, xóm; treo 24 băng rôn, khẩu hiệu, 1.627 tờ rơi cổ động trực quan về công tác PCCC và tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của huyện, mạng xã hội…; phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ cháy nổ, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng PCCC, thoát nạn khi có sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng PCCC dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở... Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, vận động 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC và tháo dỡ chuồng cọp, lồng sắt hoặc mở lối thoát nạn thứ 2.
Thượng tá Phạm Minh Thắng, Phó trưởng Công an huyện cho biết: Để bảo đảm an toàn PCCC, mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cần thực hiện nghiêm quy định và bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên, người lao động chấp hành nội quy, quy định về PCCC... Các hộ thường xuyên kiểm tra, sử dụng an toàn hệ thống, thiết bị điện; quản lý chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt lưu ý khi sử dụng than, củi sưởi ấm đề phòng nguy cơ ngộ độc, ngạt khói; chuẩn bị lối thoát nạn thứ 2, thứ 3 đề phòng cháy, nổ xảy ra.
Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy nổ gây ra, thời gian tới huyện đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC. Công an huyện khuyến nghị các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đảm bảo đúng quy chuẩn an toàn về PCCC. Đặc biệt, chú trọng đầu tư trang bị, ứng dụng công nghệ cảnh báo khói, báo cháy, thoát nạn, thoát hiểm... Cùng với đó, Công an huyện phối hợp Công an các xã, thị trấn, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra chấp hành quy định về an toàn PCCC, kiên quyết cưỡng chế, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Đinh Thắng