Với khoảng 500.000 ha có thể phát triển nghề nuôi biển, nhưng đến nay Việt Nam mới có khoảng trên 70.000 ha và 7,8 triệu m3 lồng nuôi biển.



Mô hình lồng bè nuôi tôm hùm, cá biển tại khu vực biển huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Bởi vậy, Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ từng bước phát triển nghề nuôi biển ở nước ta thành ngành nghề kinh tế mang lại giá trị cao. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nghề nuôi biển còn giúp giảm áp lực khai thác, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và nguồn lợi hiện có, góp phần vào phát triển thủy sản bền vững.

Tiềm năng còn "ngủ quên”

Thực tế nuôi biển ở Việt Nam mới chiếm khoảng 14% so với tiềm năng và chiếm khoảng 25% so với mục tiêu Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, có thể thấy tiềm năng phát triển ngành nghề này rất rộng mở, nhưng vẫn còn bị "ngủ quên”.

Không chỉ có tiềm năng về mặt nước, Việt Nam còn có thể nuôi nhiều đối tượng với: nhóm nhuyễn thể là ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương..; nhóm cá biển như cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển…; nhóm giáp xác như tôm hùm, cua, ghẹ...; các loại rong biển.

Cũng chính vì tiềm năng chưa được chú ý nên hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp còn chưa được đầu tư. Nuôi biển còn mang tính tự phát, nuôi ven bờ, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ nuôi, hệ thống lồng bè, công nghệ phụ trợ cho nuôi biển phù hợp với thời tiết Việt Nam chưa phát triển, nhất là phục vụ nuôi ở các vùng biển xa…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, nếu Việt Nam phát triển nuôi được 50% tiềm năng đã là lợi thế rất lớn so với nhiều nước. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Việt Nam chưa có nuôi xa bờ, chủ yếu nuôi ở vùng eo kín. Hiện mới chỉ có 27 cơ sở với 137 lồng bè đang nuôi xa cách 6 hải lý.

Trong khi đó, các nước phát triển như Na Uy và một số quốc gia đã có ngành công nghiệp nuôi biển khác nuôi theo hình thức công nghiệp, chuyên sâu với chuỗi từ khâu giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến… đi cùng trình độ công nghệ cao.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển nuôi trồng thủy sản thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến kích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo đó là đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 850.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030 có diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 1.450.000 tấn và xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.

Cùng với đó là tầm nhìn đến năm 2045, nước ta sẽ có ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đánh giá, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, con đường phát triển của ngành nuôi biển Việt Nam đã rõ ràng, có mục tiêu cụ thể.

Lấy công nghệ làm sức bật

Khánh Hòa là địa phương có lĩnh vực thủy sản đang chiếm khoảng 55% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh. Đây cũng là địa phương có nghề nuôi biển khá phát triển so với nhiều địa phương trên cả nước. Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, tỉnh xác định nuôi biển công nghệ cao là hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Địa phương sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ bà con, mục tiêu từ nay đến 2030 chuyển đổi 100% nuôi biển từ lồng truyền thống sang lồng hoàn toàn bằng nhựa HDPE (lồng HDPE).

Với mục tiêu này, tỉnh cũng định hướng khai thác thế mạnh của hệ thống lồng nuôi HDPE để nuôi biển ở các vùng biển hở mà lồng truyền thống không đáp ứng được. Hệ thống lồng HDPE được điều chỉnh kích thước nhỏ hơn để phù hợp hơn với nhu cầu nông hộ, ứng dụng được hình thức canh tác bán cơ khí.

Bên cạnh chuyển đổi về lồng nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa cũng xác định sẽ chuyển đổi thức ăn cho thủy sản từ truyền thống sang công nghiệp. Không sử dụng cá tạp, cá tươi như hiện nay để giảm ô nhiễm môi trường.

Để có thể nuôi biển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sẽ có cơ chế, chính sách về tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, sơ chế chế biến. Những cơ chế, chính sách này cần phải được thực hiện đồng bộ. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư, nhất là những "cánh chim đầu đàn” để những doanh nghiệp khác và các địa phương đi theo. Từ đó, có một hệ sinh thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng động và vùng bờ đảm bảo bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra, có 3 yếu tố chính để nâng cao sức cạnh tranh là: giống tốt, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng để sinh trưởng tốc độ nhanh, tiêu tốn ít thức ăn và sơ chế, chế biến với công nghệ cao. Đó cũng là giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của ngành thủy sản nói chung khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm của thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương sớm hoàn thiện các chính sách, tạo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn cùng chung tay để phát triển nghề nuôi biển trở thành nghề có thế mạnh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
 
Năm 2022, Hiệp hội sẽ ưu tiên công tác tiêu chuẩn hóa nghề nuôi biển ở Việt Nam, trước tiên là tiêu chuẩn cơ sở về trại nuôi cá biển; kết nối với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực cho nghề nuôi biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp để Việt Nam có được ngành nuôi biển với quy mô công nghiệp và công nghệ cao. Đó cũng chính là một trong những yếu tố góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 
                                                       Theo Baotintuc

Các tin khác


Nghĩa tình quân - dân ở Bản Sen

Bản Sen là một xã đảo của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đóng quân trên địa bàn, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Trạm Radar 485 đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần giúp đỡ, hỗ trợ người dân địa phương, quân và dân kiên cường bám đảo, nghĩa tình quân - dân ngày càng khăng khít, gắn bó.

Hải quân Việt Nam và Thái Lan kết thúc tuần tra chung lần thứ 49

Sáng 10/4, Biên đội tàu 261, 264 Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam đã cập quân cảng Vùng 5, kết thúc chuyến tuần tra chung thường niên lần thứ 49 với Biên đội tàu 456, 526 của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

166.782 lượt người tham gia Kỳ 2 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Kỳ 2 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức bắt đầu từ 0h ngày 18/3/2024 đến 24h ngày 31/3/2024. Ban Tổ chức cuộc thi đã tổng hợp và thông báo kết quả cụ thể.

Cần sớm xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Tam Quan

Hiện nay, nhiều ngư dân ở thị xã Hoài Nhơn và các huyện phía Bắc Bình Định đang bức xúc và khó khăn khi di chuyển từ cửa biển Tam Quan đến cảng cá Tam Quan do luồng lạch và cửa biển bị bồi lắng. Với số lượng tàu lớn nên việc di chuyển ra vào cảng cá rất chật hẹp, nhất là mỗi khi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng của mưa bão trên biển, gây mất an toàn cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hòa Bình tặng quà ngư dân nghèo tỉnh Kiên Giang

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Hòa Bình cùng các đơn vị, nhà hảo tâm vừa tổ chức chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, tặng quà cho ngư dân tại huyện An Biên và Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Vùng 2 Hải quân hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố tàu cá hỏng máy trên biển

Vào lúc 9 giờ, ngày 31/3, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía Nam, tàu 953, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân nhận được tín hiệu giúp đỡ từ tàu cá mang số hiệu BTh 96313TS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục