Khai thác trên biển và quản lý, giám sát khai thác trên biển để tránh xảy ra những vi phạm đáng tiếc là thể hiện cách chấp hành luật pháp nghiêm minh của một quốc gia.

Cộng đồng ngư dân vừa là đội ngũ phát triển kinh tế biển, vừa là "đôi mắt” của lực lượng giám sát an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Chính vì thế, thực thi Luật Thủy sản 2017 chính là vừa thể hiện lòng tự trọng của một quốc gia, vừa thể hiện bản lĩnh của toàn dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Tăng tốc trong những ngày còn lại

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ còn 6 ngày nữa, Đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định lần thứ 4, từ 24 đến 31/5/2023 với những yêu cầu như làm việc với Tổng cục Thủy sản, kiểm tra thực tế các cảng cá, làm việc với văn phòng kiểm tra, thanh tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá…

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và quan hệ quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết, thời điểm đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu sang Việt Nam đúng vào thời điểm các cảng lên cá nhiều. Thế nên lần này đoàn sẽ chú tâm đến việc giám sát sản lượng hải sản đánh bắt qua cảng như thế nào, có đảm bảo độ tin cậy hay không.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra EC sẽ làm việc tại các tỉnh về quản lý tàu cá cũng như thực thi pháp luật, Luật Thủy sản 2017 của cộng đồng ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ. Bởi EC cho rằng Việt Nam đang thực hiện việc thực thi pháp luật còn rất hạn chế, trong khi việc này là chỉ số để EC đánh giá việc thực hiện các khuyến nghị của châu Âu. Thêm vào đó, trong lần này, EC sẽ kiểm tra những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Chính vì việc thực thi Luật Thủy sản là yêu cầu then chốt trong đợt kiểm tra, các ngành, các cấp liên quan đã đồng lòng vào cuộc để nâng cao ý thức chấp hành trong khai thác hải sản cho ngư dân. Theo đó, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ráo riết thực hiện các hoạt động nâng cao ý thức cho ngư dân khai thác xa bờ.

Tại khu vực phía Nam, Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 4 đã có nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, kể từ cuối tháng 3/2023 cho đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 đã cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tổ chức tuyên truyền cho ngư dân Bến Tre nói riêng, ngư dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về các tình huống tàu vi phạm pháp luật về IUU, biện pháp xác minh, xử lý vi phạm, nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển 2018, các văn bản quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác IUU, tình hình tàu cá, ngư dân trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài, hệ lụy, nguyên nhân và giải pháp khắc phục…

Cùng với các đơn vị tích cực giám sát, kiểm tra tàu cá và hoạt động khai thác trên biển, lực lượng bộ đội biên phòng cũng ráo riết thúc đẩy tuần tra, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu mất tín hiệu hoặc đi vào vùng biển nước ngoài.

Theo Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, lực lượng Bộ đội biên phòng đã thực hiện các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát để hạn chế tối đa việc tàu cá khai thác vi phạm, nhất là các tàu 24 m trở lên.

Theo ông Dương Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, việc tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân khai thác xa bờ có ý nghĩa với ngư dân, giúp ngư dân hiểu rõ các quy định pháp luật về biển đảo Việt Nam, nâng cao nhận thức về khai thác an toàn, không vi phạm chủ quyền của quốc gia khác, vì một nghề cá phát triển bền vững.

Không riêng tại Bến Tre, với những ngư dân Cà Mau, Hải đoàn 42, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tuyên truyền cho bà con ngư dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; những điều ngư dân cần biết về chống khai thác IUU… Qua đó, giúp bà con ngư dân hiểu biết thêm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác, đánh bắt thủy hải sản để từ đó yên tâm vươn khơi bám biển, khai thác đánh bắt thủy hải sản bền vững.

Ông Lê Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn thời, tỉnh Cà Mau cho biết, chính quyền địa phương tại Sông Đốc đã vận động, tuyên truyền để bà con ngư dân tháo dỡ các đăng, đáy ven sông, cửa sông đánh bắt hải sản mang tính tận diệt, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn và phát triển bền vững kinh tế trên các vùng biển, đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. 

Doanh nghiệp chung sức


Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm IUU. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Trải qua gần 6 năm kể từ ngày EC giơ "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam, cho đến nay, toàn hệ thống chính trị nói chung, nghề cá, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, ngư dân nói riêng đã trải qua thời gian dài nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, để sớm gỡ bỏ thẻ vàng, cũng như gỡ bỏ "dây trói” cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu, lưu thông hợp pháp tại các thị trường "khó tính" trên thế giới.

Đến nay, nghề cá Việt Nam lại bước vào quy trình kiểm tra, giám sát trực tiếp của EC về những gì đã làm được, để thể hiện năng lực giám sát, quản lý và tuân thủ Luật Thủy sản 2017, cũng như tôn trọng chủ quyền khai thác trên biển của từng quốc gia trên thế giới.

Kiểm tra hoạt động thu mua nguyên liệu và chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt nam là một trong 4 nội dung được EC chỉ định sẽ kiểm tra trong đợt kiểm tra quá trình chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp tại Việt Nam lần 4 năm 2023.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản cũng có động thái rõ ràng trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hải sản là một trong bốn mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Ước tính, bình quân xuất khẩu hải sản và cá ngừ mang về kim ngạch hơn 4 tỷ USD/năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản vào thị trường châu Âu đều tuân thủ các quy tắc về chống khai thác bất hợp pháp do EC đề ra. Châu Âu là thị trường nhập khẩu hải sản chế biến lớn của Việt Nam cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng cao, bao gồm cả chất lượng an toàn môi trường, bảo vệ nguồn lợi hải sản và bảo vệ trẻ em trong quá trình thực hiện thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản luôn nỗ lực để có nguồn nguyên liệu rõ ràng, bổ sung vào các hồ sơ xuất khẩu cho khách hàng. Dù gặp nhiều khó khăn trong thu mua hải sản nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc, nhưng doanh nghiệp bắt buộc phải làm, vì đây là uy tín doanh nghiệp, cũng là cách thức giữ khách hàng trong thởi buổi cạnh tranh khốc liệt.

Kể từ khi ngành hải sản Việt Nam bị thẻ vàng IUU, nguồn nguyên liệu cá ngừ hợp pháp ngày càng giảm, bắt buộc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng từ các quốc gia khác để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Trong giao dịch hợp đồng, khách hàng luôn yêu cầu truy xuất nguồn gốc tất cả các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến ra sản phẩm.

"Tuân thủ quy tắc và các tiêu chí chống không thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là điều bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp, dù có sự giảm sút 70% khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu, nhưng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản vẫn phải nỗ lực thực hiện cho tốt để giữ thị trường", bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết.

Vừa phải đối diện với cuộc kiểm tra của EC trong thời gian tới, vừa phải có giải pháp để ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản vượt qua cơn bão lạm phát hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đứng trước nhiều khó khăn phải giải quyết. Theo thống kê Hải quan Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ước tính kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản Việt Nam đạt khoảng 3,2 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý giải cho sự sụt giảm này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tình hình lạm phát kinh tế từ năm 2022 đã khiến cho tiêu dùng tại các thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản suy giảm, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng giao hàng trong năm 2023, nhưng khách hàng lại yêu cầu dời hợp đồng do nguồn hàng chưa tiêu thụ được, khiến cho nguồn hàng của doanh nghiệp tồn kho.

Điều này dẫn đến dòng tiền trong doanh nghiệp chậm xoay vòng. Không những vậy, nguồn vốn tín dụng lại hạn hẹp, nên khó thu mua nguyên liệu trong ngư dân theo đúng hợp đồng. Từ khó khăn khách quan của thị trường thế giới, dẫn đến khó khăn chủ quan cho doanh nghiệp và cả ngư dân. Tuy nhiên, để trụ vững cả cộng đồng doanh nghiệp lẫn ngư dân đều phải chung tay giải quyết, nhường nhau một ít quyền lợi để có thể duy trì lâu dài.

Theo TTXVN

Các tin khác


Vùng 2 Hải quân đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

Sáng 19-3, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và kỷ niệm 15 năm Ngày truyền thống. Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân dự và trao thưởng tặng Vùng 2 Hải quân.

125.588 lượt người tham gia Kỳ 1 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Kỳ 1 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức đã diễn ra từ 8h ngày 4/3/2024 đến 24h ngày 17/3/2024. Ban Tổ chức Cuộc thi đã tổng hợp và thông báo kết quả cụ thể.

Giám sát truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác biển

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tổ chức hướng dẫn, giám sát chặt chẽ sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển tại các bến cá, điểm lên cá trên địa bàn để chuẩn bị tiếp Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 5 tại Việt Nam về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thăm “mắt thần” cảnh giới vùng biển Đông Bắc Bộ

Trạm Radar 485, Trung đoàn 151, Vùng 1 Hải quân là đơn vị đóng quân trên đảo Trà Bản thuộc xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với đặc thù, trọng yếu, đài Radar Hải quân phải đóng quân ở những vị trí nơi núi cao, đảo xa để dễ dàng quan sát, quản lý, theo dõi, báo cáo kịp thời các mục tiêu xâm phạm vùng biển và không phận tầm thấp. Trạm Radar 485 nằm ở vị trí trên đỉnh núi Nàng Tiên với độ cao 485m so với mực nước biển, đây được ví như "mắt thần” canh giữ vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Trường Sa ngày mới

Cách đây 36 năm, vào ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Đó là minh chứng cho quyết tâm gìn giữ từng tấc đất, sải biển của ông cha ta để lại. Tiếp nối các thế hệ đi trước, quân dân cả nước luôn hướng về Trường Sa, chung tay, góp sức làm cho Trường Sa luôn mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân.

Cảnh sát biển Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành ReCAAP lần thứ 18

Từ ngày 13 - 15/3, đoàn đại biểu Việt Nam do Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển làm Trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành Trung tâm chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP ISC) lần thứ 18 tổ chức tại Singapore.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục