(HBĐT) - Đại dịch Covid-19 ập đến khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn. Trẻ nhỏ nghỉ dài ngày ở nhà, người lớn cũng trở nên nhàn rỗi vì giãn cách và hạn chế những hoạt động không thiết yếu. Nghỉ dịch lâu ngày, nhiều người không tránh khỏi tâm lý chán nản, bức bối. Chính trong bối cảnh đó, nhiều gia đình đã tự tìm những hoạt động ý nghĩa ngay tại nhà, vừa nghỉ dịch, vừa lan tỏa năng lượng tích cực trong thời điểm dịch bệnh.

 


Các ban, ngành, đoàn thể huyện Lương Sơn tặng nhu yếu phẩm hỗ trợ khu cách ly tập trung tại xã Cao Sơn.

Hè đến, việc tìm sân chơi cho trẻ luôn là vấn đề đau đầu của nhiều phụ huynh. Đặc biệt, hè năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bài toán giải trí cho con trong những ngày chống dịch càng trở nên nan giải. Với chị Quỳnh Nga ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cũng không ngoại lệ. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất việc con ngồi  trong nhà, làm bạn với máy tính, ti vi và điện thoại thông minh, chị Nga đã nghĩ ra cách cho con hướng về thiên nhiên. Tận dụng ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ, chị Nga mua hoa, cây cảnh về, hướng dẫn các con trồng vào bồn và giao nhiệm vụ chăm sóc cây hàng ngày. "Mỗi ngày 1 - 2 bồn cây nho nhỏ để con chăm sóc cũng hạn chế việc ngồi xem ti vi của con. Cứ thế, gia đình có một mảnh vườn vừa rau vừa hoa để chăm sóc. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích các con thường xuyên làm việc nhà" - chị Nga chia sẻ. 

Còn với chị Bùi Thị Phượng, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) là giáo viên tiểu học. Trong những ngày giãn cách xã hội, chị giành phần lớn thời gian tự học tập, bồi dưỡng chuyên môn trực tuyến của ngành, ngoài ra, mỗi ngày chị dành khoảng 1 giờ đồng hồ trò chuyện trực tuyến hướng dẫn ôn bài cho các cháu của mình ở TP Hòa Bình. "Con trai đi làm ở TP Hòa Bình, những ngày huyện thực hiện giãn cách xã hội, con không về được. Vì vậy, mỗi ngày, tôi gọi điện hoặc dạy học trực tuyến cho các cháu họ cũng là một cách để đỡ buồn, đồng thời là dịp để bác cháu học tập, ôn lại kiến thức, cũng coi như trông nom, bảo ban các cháu trong thời gian bố mẹ nó đi làm" - chị Phượng chia sẻ.

Tìm kiếm năng lượng tích cực trong những ngày khó khăn có lẽ không phải là câu chuyện duy nhất của chị Nga, chị Phượng mà của rất nhiều gia đình trong thời điểm dịch. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, con người ta càng hướng đến những giá trị nhân văn, tìm lại lạc quan trong cuộc sống. Chính vì vậy, tại nhiều địa bàn, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được triển khai trong những ngày chống dịch. Tiêu biểu như tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn), cô giáo Đào Thị Hà, trường mầm non xã Hòa Sơn phối hợp Hội Phụ nữ và các hội, đoàn thể xã tham gia nấu cơm, tặng nhiều suất ăn miễn phí cho những công dân cách ly tại địa bàn xã. Đồng chí Hoàng Thị Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Sơn cho biết: Dù là những hành động rất nhỏ nhưng thực sự ý nghĩa trong những ngày Lương Sơn thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, khi phát động phong trào, rất nhiều hội viên đã nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, để đảm bảo giãn cách, chúng tôi chỉ tổ chức nhóm nhỏ. Còn lại, rất nhiều hội viên đã quyên góp lương thực, thực phẩm, từ bí, rau, hoa quả trong vườn nhà để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và những công dân phải thực hiện cách ly.

Vừa qua, Công đoàn huyện Kim Bôi cũng đã tham gia nấu cơm phục vụ 3 điểm cách ly của huyện, với 257 suất cơm san sẻ yêu thương tặng những người đang cách ly và cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch trong các khu cách ly của huyện. Điều đáng nói, tham gia đợt nấu cơm tình nguyện ngoài cán bộ, đoàn viên thanh niên thuộc các cơ quan huyện Kim Bôi còn có cả những hộ gia đình tình nguyện, tích cực tham gia, chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Câu hỏi bao giờ hết dịch vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải, những biện pháp chống dịch như giãn cách, hạn chế tiếp xúc, hạn chế dịch vụ không thiết yếu vẫn chưa biết chính xác sẽ còn tiếp diễn hay kéo dài trong bao lâu? Chính vì vậy, lan tỏa những năng lượng tích cực, suy nghĩ lạc quan, những hoạt động ý nghĩa trong thời gian này cũng chính là một liều vắc xin hữu ích để giúp mỗi chúng ta vững vàng vượt qua đại dịch.


                                                                    Phương Linh


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục