75 năm trước, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc và đại diện Chính phủ, Uỷ ban Thường trực Quốc hội đã đến dự.

 

 

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Người nói: "Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. (Trích Báo Cứu quốc số 416 ra ngày 25/11/1946).

 

Bối cảnh lịch sử rất quan trọng để lý giải sự ra đời của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị này là nỗ lực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng những người yêu văn hóa Việt Nam nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa nước nhà, lấy kinh nghiệm của giới hoạt động văn hóa châu Âu, trước hết là giới văn nghệ sĩ trí thức Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc. Dù đây không phải là thời kỳ thuận lợi do không khí chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội, nhưng chính nỗ lực tổ chức Hội nghị đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

 

 

Những thông điệp quan trọng của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sau đó là lần thứ hai (năm 1948) về "Văn hóa soi đường quốc dân đi”, văn hóa là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.

Clip Triển lãm với chủ đề "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi" chào mừng Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021:

 

Những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết... truyền cảm hứng, góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, cả trong chiến tranh lẫn thiên tai, dịch bệnh khác.

 

 

Năm 2021 đánh dấu 35 năm công cuộc Đổi mới đất nước. Cùng với thắng lợi của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và khí thế quyết tâm của cả nước, sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là khi Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh một trong những đột phát chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 là "phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những thành tựu lớn và thách thức trong phát triển văn hóa từ năm 1986 đến nay "như một bức tranh đa dạng và sinh động”.

 

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Quốc hội đã ban hành 10 luật chuyên ngành văn hóa gồm: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Thư viện, Luật Du lịch và Luật Thể dục, thể thao. Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đặc thù cho phát triển sự nghiệp văn hoá, như chính sách về hoạt động và hưởng thụ văn hoá, nhất là đối với vùng đồng bào các dân tộc, miền núi, hải đảo; chính sách về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; những chính sách khuyến khích và tôn vinh hoạt động sáng tạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú); chế độ ưu đãi đặc thù đối với nghệ sĩ, học sinh các trường văn hóa nghệ thuật… Hệ thống các văn bản pháp luật này đã từng bước ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, phát huy vai trò của văn hóa với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
 

Các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân.

 

Bức tranh tổng thể của văn hóa sau 35 năm Đổi mới đã mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn, đáng chú ý là sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa. Quan điểm văn hóa văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa đã dẫn đến những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Các công đoạn khác nhau của văn hóa trước đây chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước (từ khâu sáng tạo, sản xuất, đến phân phối), nay trở thành hoạt động thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội, như cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài, nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam và quốc tế. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.

Đời sống văn hoá ở cơ sở đã có bước phát triển, thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân. Đời sống văn hoá ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có những cải thiện rõ rệt. Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, là một trong những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước; cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đã tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng cả ở khu vục nông thôn, đô thị và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều duy trì và phát triển.

Qua nhiều năm thực hiện, chính sách văn hoá đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Nhiều dự án về sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá được thực hiện. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành đoàn trong việc thực hiện, triển khai các chương trình phối hợp thực hiện nhằm giúp đỡ đồng bào giữ gìn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, lồng tiếng dân tộc trong phim, dịch tiếng song ngữ tiếng dân tộc qua các ấn phẩm xuất bản, sáng tác ca khúc tiếng dân tộc. Đưa sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa phù hợp tới các bản làng, vùng sâu, vùng xa.

Các thiết chế văn hóa (nhà văn hoá, thư viện, câu lạc bộ…) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chỉ đạo và triển khai từ trung ương đến địa phương. Ở các làng, thôn, bản, buôn, phum, sóc… vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng các nhà văn hoá làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hoá-văn nghệ và hội họp chung của cộng đồng. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng. Gần 100% số xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa là một sự cụ thể hóa sinh động và thiết thực, những năm gần đây đã có một sự chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại 7 huyện điểm chỉ đạo thực hiện.

Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, đóng góp vào quá trình dân chủ hoá xã hội và sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hoá. Tính chủ động trong hoạt động và sáng tạo văn hoá, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hoá-xã hội được mở rộng. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tuy gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, nhưng vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hoá dân gian và văn hoá bác học Việt Nam được sưu tầm, công bố tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, rối nước…), các loại hình nghệ thuật hiện đại (ca, múa, nhạc, kịch, xiếc, điện ảnh…) cũng có bước tiến mới; một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; từng bước ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất và lưu trữ phim, bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bước đầu nâng cao được nhận thức về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, hình thành tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.

Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu đã có những đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tính chủ thể của văn nghệ sĩ được coi trọng. Nhiều tác phẩm lý luận, trường phái nghiên cứu văn học, nghệ thuật nước ngoài được giới thiệu tạo điều kiện nâng cao trình độ lý luận văn học, nghệ thuật nước nhà.

 

 

Các di sản văn hoá được bảo tồn và phát huy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững đất nước. Việt Nam có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước, cùng với đó là hơn 61 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, 26 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, 54 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Giao lưu văn hoá với nước ngoài từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế của Nhà nước ta. Hoạt động giao lưu các đoàn biểu diễn nghệ thuật và trao đổi sách báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, đào tạo… giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều hiệp định văn hoá với các nước và nhiều tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hoá, về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ký kết; nhiều dự án về hợp tác văn hoá được thực hiện có hiệu quả. Chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hoá thế giới và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hoá Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hoá nghệ thuật Việt Nam. Các liên hoan phim quốc tế, triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh quốc tế ở Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước, con người bạn bè quốc tế và con người Việt Nam, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến văn hoá, thể thao và du lịch ở nhiều nước trên khắp các châu lục thế giới; hoặc thông qua các phương tiện công cộng, truyền thông, báo chí, làm phim quảng bá trong nước và quốc tế, tổ chức thành công các hoạt động văn hoá đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài trên diện rộng hơn, trọng điểm tại những địa bàn truyền thống, những đối tác quan trọng trong quan hệ quốc tế.

 

 

Nhìn nhận thực tế để thấy bức tranh xây dựng văn hóa, phát triển con người trong những năm vừa qua vẫn còn những thách thức, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định: Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu có phần gia tăng trong thế hệ trẻ. Văn hóa gia đình chưa được chăm lo, củng cố. Gia đình chưa thực sự trở thành cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Văn hóa học đường có những biểu hiện đáng báo động. Hệ giá trị của người Việt Nam trong xã hội đương đại đang có nhiều biến đổi, có cả chiều hướng tiêu cực…

Tất cả những hạn chế nêu trên đang cần sự chung sức giải quyết, đóng góp ý kiến để giải quyết rốt ráo trong thực tế từ các nhà quản lý, các chuyên gia, các văn nghệ sĩ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

"Di sản văn hóa là một loại tài nguyên. Khác với tài nguyên vật chất, càng khai thác càng mất đi, di sản văn hóa càng khai thác càng dầy dặn, phồn vinh, góp phần trách nhiệm xây dựng một thế giới đa dạng bản sắc văn hóa.” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

 

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng: Năm 2021, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta  kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Chính vì vậy, tổ chức hội nghị lần này có mục tiêu quan trọng xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Đây là một trong những nhiệm vụ của tất cả các tổ chức Đảng dưới sự điều hành lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Vì vậy, hội nghị này được diễn ra vào thời điểm quan trọng. Theo lãnh đạo ngành văn hóa, hội nghị này mang tính chất lịch sử.

 

 

Trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc là dẫn luận, hệ thống lại quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa dựa trên đường lối của Đảng, đặc biệt tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề văn hóa, tư tưởng của Hồ Chí Minh được xác định là kim chỉ nam cho hành động.

Hội nghị cũng nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa đã đạt được những thành tựu, khó khăn gì, rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để từ đó có được nhận thức đúng đắn, từ đó có hành động đẹp. Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng: Từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm, đường lối của Đảng, nhìn lại thực tiễn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, ở góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là gì. Trên một trục xuyên suốt đó là phải phát triển văn hóa và con người Việt Nam, khơi dậy được khát vọng xây dựng đất nước của chúng ta hùng cường. Đó là yêu cầu cũng như nội dung của hội nghị.

 

 

PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng đưa ra ý kiến đóng góp 6 nhóm giải pháp với kỳ vọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, giải pháp thứ nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; Đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người, theo đó, phát triển văn hoá, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội. Văn hóa phải giữ vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế bằng mục tiêu nhân văn, hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa.

Thứ hai là giải pháp hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa, xây dựng con người cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là năng lực xây dựng thể chế,  chính sách, các chương trình và kế hoạch dài hạn, khắc phục tình trạng xa đà vào sự vụ, thiếu tính chiến lược; Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng các luật, cơ chế chính sách về giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, của các lực lượng xã hội, huy động các lực lượng xã hội trên nguyên tắc khuyến khích và chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia vào sáng tạo và phân phối văn hóa. Hoàn thiện các luật của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các chính sách cụ thể liên quan tới quy trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng văn hóa. Đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.

 

Đàn bầu được nhiều bạn bè quốc tế yêu thích. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã từng chơi thử nhạc cụ này trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, tháng 3/2019.

 

Thứ ba là giải pháp phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Phát triển thị trường văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa vận hành theo nguyên tắc thị trường, từ đó, định hướng cho người sản xuất văn hóa đáp ứng những nhu cầu đa dạng, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cần chú ý đến tính đặc thù, tính độc lập tương đối của văn hóa với kinh tế.  Đối mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế đầu tư trước thuế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa.

Thứ tư, giải pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, có tinh thần nhân văn và ý thức lao động. Đề cao trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ năm, giải pháp tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi,  cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ ngày 7/2/2018.

 

Thứ sáu, giải pháp xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hoá, với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hoá Việt Nam, tạo sức đề kháng trước sự gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia. Phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có sức lôi cuốn và hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời tập trung xây dựng những giá trị văn hoá mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới, làm phong phú thêm nền văn hoá dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Đặt kỳ vọng vào hội nghị đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nêu ý kiến: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được đặt ra đúng lúc, khi mà đến lúc xã hội cần chấn chỉnh về đạo đức và nâng cao dân trí, lối sống văn hóa lành mạnh trong thời đại toàn cầu. Đây đã là lúc văn hóa nghệ thuật cần tìm đường gia nhập thị trường đặc thù của mình.

Trên cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này được giới văn nghệ sĩ rất chờ đợi, hy vọng vì đây là sự kiên chính trị quan trọng vđể triển khai Nghị quyết 13 của Đảng. Với văn nghệ sĩ, trí thức, sự kiện cũng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người và phát triển xã hội bền vững.

Với văn, nghệ sĩ thì đây là sự kiện ghi được nhiều cảm hứng, tạo niềm tin, xúc cảm lớn cho nhà văn hóa tạo xúc cảm trong sáng tạo nhiều tác phẩm để phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước.

Từ đây, những văn, nghệ sĩ trên cả nước kỳ vọng, từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ có nhiều biện pháp hữu hiệu đưa nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ vào cuộc sống, biến ước mơ khát vọng phát triển đất nước trở thành hiện thực. Trong đó, văn hóa sẽ cùng song hành với các mặt trận kinh tế, chính trị để  thúc đẩy quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa Việt Nam. Bởi lẽ, phải xây dựng được nền công nghiệp văn hóa thì mới có điều kiện hội nhập sâu rộng với văn hóa toàn cầu cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập với quốc tế trong thời đại 4.0.

Với tinh thần xuyên suốt "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 được kỳ vọng sẽ là "Hội nghị Diên Hồng” nhằm hiến kế phát triển văn hóa. Từ hội nghị này, các ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật sẽ được tổng hợp, là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VH,TT&DL chỉ đạo các vấn đề văn hóa nghệ thuật của đất nước. Đó là cách làm trong hoàn cảnh mới, được kế thừa từ Hội nghị văn hóa toàn quốc, sẽ tạo nên những đột phá mới, sức bật mới cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm sắp tới.

 

 Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Môn nấu da trâu khô - Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam

(HBĐT) - Khi đến các bản làng vùng đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, bạn sẽ thấy món ăn "Môn nấu da trâu khô” không hiếm gặp, thậm chí khá phổ biến trong bữa ăn thường ngày. Nguyên liệu chính của món ăn gồm: da trâu khô, lá khoai môn, hạt he (mắc khén), củ gừng, lá kịa rừng, quả đu đủ non và được nêm bằng các loại gia vị: nước mắm, mì chính, bột nêm và một chút mỡ lợn (hoặc dầu ăn) tạo độ bùi ngậy.

Mây trắng vẫn bay trên bầu trời Đồng Lộc

(HBĐT - "Đất đá bị cày đi xới lại, mặt đất bị biến dạng bởi chi chít hố bom, nhưng mạch máu giao thông vẫn được nối dài, ý chí con người vẫn rực sáng giữa "tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc” - Với chất giọng truyền cảm đặc trưng của người Hà Tĩnh gốc, hướng dẫn viên Đào Anh Tuân khiến người nghe vô cùng xúc động khi kể những câu chuyện đã trở thành huyền thoại, những con người trở thành bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc…

Khu kinh tế Dung Quất có quy mô 45,3 nghìn ha

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục