(HBĐT) - Từ năm 1976 đến tháng 10/1991 là thời kỳ tỉnh Hòa Bình sáp nhập với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình. Đây cũng là thời kỳ Hà Sơn Bình cùng cả nước tiến hành công cuộc xây dựng CNXH và tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN.


Thực hiện chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp toàn diện của Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V đề ra, tỉnh Hà Sơn Bình đã đề ra mục tiêu và nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Phát triển mạnh ngành chăn nuôi, từng bước đưa tỷ trọng chăn nuôi ngày càng tăng trong cơ cấu nông nghiệp, phấn đấu đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc, phù hợp với thế mạnh của một tỉnh miền núi. Kết hợp nông - lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế, kết hợp khai thác hợp lý với chăm sóc, tu bổ, trồng mới phủ xanh đất trống đồi núi trọc, từng bước đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh đã khai hoang được 5.700 ha và khai thác 9.500 ha vùng lòng hồ sông Đà, mở thêm diện tích gieo trồng bình quân mỗi năm gần 1,5 vạn ha, chủ yếu là cây lương thực, đưa hệ số sử dụng đất từ 1,56 lần năm 1976 lên 1,8 lần năm 1978. Diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh bình quân mỗi năm tăng 5%. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 1976 đạt 96.269 tấn, năm 1980 đạt 115.790 tấn, năm 1986 đạt 131.294 tấn và năm 1990 đạt 133.853 tấn. 
Từ năm 1981, tỉnh thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Cùng với thực hiện khoán 100, tỉnh chỉ đạo điều chỉnh lại quy mô hợp tác xã và củng cố đội sản xuất, bổ sung hoàn chỉnh phương án sản xuất. Phần lớn các hợp tác xã được tổ chức lại có quy mô hợp lý, bước đầu phát huy tác dụng trong việc phát triển sản xuất và đóng góp nghĩa vụ lương thực, thực phẩm đối với Nhà nước. Đến cuối năm 1982, số hợp tác xã thực hiện cơ chế khoán toàn tỉnh lên tới 643 hợp tác xã (84,3%).

Ngành chăn nuôi có bước phát triển khá, năm 1985 tổng đàn trâu có 67.788 con, bò có 16.775 con. Thời kỳ 1986 - 1991: Việc thực hiện khoán 10 sản xuất nông nghiệp của Hòa Bình đã đạt được những kết quả rất khả quan. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp (1986 - 1990) của tỉnh tăng trưởng không ổn định qua các năm. Một số địa phương mạnh dạn chuyển hướng sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng thích hợp, đem lại thu nhập cao hơn như vùng mía, cam Cao Phong, vùng đậu, lạc Yên Thủy, Lạc Sơn... Giai đoạn 1986-1991, phong trào nông dân trồng rừng theo dự án PAM và vốn rừng phòng hộ sông Đà ngày càng phát triển và cho kết quả tốt. Năm 1991, diện tích trồng rừng đạt 2,1 vạn ha, trong đó có 1,9 vạn ha PAM và 2.000ha rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ sông Đà. Công tác định canh, định cư (ĐCĐC) gắn với kinh tế nghề rừng giai đoạn 1986 - 1991 đạt kết quả tốt. Đến năm 1990, có 52/60 xã, 6.988/8.262 hộ với 37.517/46.536 nhân khẩu ĐCĐC. Trong những năm 1986 - 1990, đồng bào vùng ĐCĐC khai hoang gần 7.000ha và trồng được gần 2.000ha rừng đầu nguồn. Kết quả lớn của công tác ĐCĐC là ổn định được đời sống nhân dân, từng bước thay đổi một số tập quán lạc hậu, xây dựng được nếp sống văn hóa mới. Trong 3 năm (1988 - 1990), tỉnh đã đầu tư tu sửa một số công trình thủy lợi để tăng năng lực tưới cho 3.000ha khu vực miền núi. 

Sản xuất công nghiệp địa phương 3 năm (1983 - 1985) vẫn gặp nhiều khó khăn, song bước đầu đã cố gắng khai thác nguyên liệu tại chỗ để duy trì sản xuất. Trong các năm 1981 - 1984, Hà Sơn Bình đã quy hoạch lại đất đai, điều hòa lao động, đưa các hộ dân ở khu vực đồng bằng lên xây dựng kinh tế ở miền núi. Năm 1985, toàn tỉnh vận động đưa 3.265 hộ với 14.798 nhân khẩu ở các huyện đồng bằng lên xây dựng ở 80 xã của 7 huyện miền núi. Sau khi hoàn thành chuyển dân giải phóng mặt bằng công trình thủy điện sông Đà, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Thông báo số 24 yêu cầu các cấp, ngành tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ sông Đà phục vụ cho công trình, trước mắt là tập trung cho ngăn sông Đà đợt 1. Đến cuối năm 1984, trong toàn tỉnh, việc xây dựng nơi mới, ổn định sản xuất vùng chuyển dân đã đạt được kết quả: Khai hoang 399ha, xây dựng 28 công trình thủy lợi nhỏ, 131km đường giao thông nông thôn, 380m2 công trình phục vụ sản xuất, 8.861m2 công trình công cộng xã, 21km đường ô tô, 14.000m2 trụ sở, nhà ở, trường học, bệnh viện, kho tàng cho huyện lỵ Đà Bắc và 2.200m2 trường học, chợ thị xã Hòa Bình, 3 công trình thủy lợi loại vừa… Giai đoạn 1986-1991, tỉnh cũng rất quan tâm phát triển sản xuất CN-TTCN và phân phối lưu thông thông qua việc đổi mới cơ chế quản lý. 

Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác văn hóa - xã hội trong những năm 1976 - 1980 cũng có nhiều cố gắng, góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Giai đoạn 1976 - 1980, công tác giáo dục của tỉnh có bước phát triển. Các xã đều có trường cấp I và hầu hết có trường cấp II (trừ một số xã vùng cao). Riêng cấp III, mỗi huyện có 1 trường. Các huyện, thị trong tỉnh đều chỉ đạo có kết quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ở các huyện miền núi của tỉnh đã có trên 6.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa mới. Vùng miền núi của tỉnh có gần 200 đội văn nghệ. Trong gần 700 trường học toàn tỉnh, khu vực Hòa Bình có 376 trường, bao gồm cả trường bổ túc văn hóa. Số trường tiên tiến không ngừng được tăng lên, từ 257 trường năm học 1987 - 1988 lên 262 trường năm học 1989 - 1990. Công tác y tế tiếp tục chuyển hướng xuống phục vụ cơ sở, chăm lo sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, củng cố tuyến cơ sở. Đến năm 1990, khu vực miền núi có 208 cơ sở y tế, với 3.299 giường bệnh phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Trong tỉnh hầu như không xảy ra các dịch bệnh lớn. 

V.T (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục