(HBĐT) - Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với miền Bắc, tỉnh Hòa Bình được giải phóng và bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Tháng 10/1954, Tỉnh ủy triển khai đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân nhằm quán triệt nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ cách mạng mới ở địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phá vỡ các ổ nhóm phản động, đập tan những luận điệu tuyên truyền phản cách mạng của địch, trừng trị những kẻ ngoan cố hoạt động phá hoại gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, lực lượng dân quân du kích tiếp tục được tăng cường, do vậy tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh ổn định.

Từ cuối năm 1954, Tỉnh ủy kiên trì và đẩy mạnh vận động tăng cường sản xuất, tương trợ, giúp đỡ nhau. Nhờ vậy, đến cuối năm 1955 nạn đói bị đẩy lùi, công cuộc khôi phục sản xuất được phục hồi nhanh chóng, nông dân tích cực khai hoang, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ và tổ chức sản xuất trong các tổ đổi công. 

Đến năm 1956, về cơ bản sản xuất nông nghiệp được khôi phục, đời sống Nhân dân được cải thiện một bước, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng được phục hồi, được quan tâm phát triển, hoạt động văn hoá, giáo dục có bước tiến đáng kể, công tác y tế - vệ sinh phòng bệnh được thực hiện và trở thành phong trào quần chúng trong tỉnh.

Ngay từ đầu năm 1958, Tỉnh ủy thực hiện từng bước vững chắc cải tạo XHCN trong tỉnh. Trên cơ sở các tổ đổi công, tháng 5/1958, HTX nông nghiệp đầu tiên được thành lập ở xóm Nội, xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn (nay là thị trấn Bo, huyện Kim Bôi) thu hút 23 hộ nông dân. Tháng 3/1959, xưởng sản xuất cơ khí 3/2 được thành lập. Đây là cơ sở công nghiệp quốc doanh đầu tiên của tỉnh.

Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Riêng năm 1960, toàn tỉnh đã có trên 22.000 người được đi học; 194 xã có trường cấp I; xóm nào cũng có lớp vỡ lòng, 31 xã đã căn bản phổ cập vỡ lòng; mỗi huyện có từ 1 - 3 trường cấp II, ở tỉnh có 1 trường cấp III. Đặc biệt, Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình thành lập ngày 1/4/1958 trở thành mô hình tiêu biểu của nền giáo dục mới cho cả nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV họp tháng 1/1961 xác nhận thành tựu, hạn chế của 3 năm cải tạo XHCN và cụ thể hơn phương pháp, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong tỉnh: "Ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp, lấy phát triển nông nghiệp toàn diện làm trung tâm, đồng thời coi trọng phát triển công nghiệp”, tiếp tục cải tạo XHCN, cải thiện đời sống Nhân dân. Đây thực sự là một kế hoạch tiến công vào nghèo nàn, lạc hậu, mang tính cách mạng, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, được toàn dân tích cực tham gia và đạt thành tựu xuất sắc.

Nông nghiệp được coi là cơ sở nền kinh tế của tỉnh, được quan tâm chỉ đạo và đầu tư. Trong 5 năm (1961 - 1965) xây dựng được 46 công trình thủy nông, 183 công trình tiểu thủy nông, tổng sản lượng lúa năm 1964 đạt 134.073 tấn, đầu năm 1965 đã có 96% hộ vào HTX. Trong đó có 67% HTX bậc cao, công nghiệp địa phương, giao thông vận tải có bước phát triển mới. Tất cả các huyện đều có đường ô tô, sự nghiệp giáo dục có bước tiến mạnh. Ngày 17/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình, là sự ghi nhận thành tích của ngành giáo dục tỉnh nhà. Năm học 1964 - 1965, cả tỉnh có 22.765 học sinh phổ thông các cấp, tỉnh hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Hệ thống y tế được mở rộng với 1 bệnh viện tỉnh, 6 bệnh viện huyện, 157 trạm y tế xã, chăm sóc tốt sức khỏe cho Nhân dân.

(Còn nữa)
L.C (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục