Những nét đẹp truyền thống được gìn giữ trong các bản làng ở Hòa Bình luôn níu chân du khách

Những nét đẹp truyền thống được gìn giữ trong các bản làng ở Hòa Bình luôn níu chân du khách

(HBĐT) - Khám phá và trải nghiệm. Thử thách và hoà mình cùng thiên nhiên. Được sống và tìm hiểu văn hoá của người dân bản địa... Đó chính là điều mà những du khác đã một lần được đặt chân đến mạnh đất Hòa Bình đều không thể nào quên khi tham gia các tour du lịch đi bộ.

 

“Cuốc bộ” ở rừng Pu Canh

 

So về bề dày lịch sử của việc khai thác và mở các tuyến du lịch đi bộ thì CTCPDL Hoà Bình được xem là một trong những đơn vị đi tiên phong ở miền Bắc. Anh Hà Quốc Việt cho biết: Hoà Bình là tỉnh miền núi, nhưng lại không xa Hà Nội. Là nơi sinh sống của 6 dân tộc anh em với bản sắc văn hoá rất riêng, độc đáo. Nhận thấy tiềm năng và có điều kiện phù hợp để xây dựng, tổ chức các tour du lịch đi bộ, nên ngay từ năm 1993, CTCPDL Hoà Bình đã mở và khai thác các tuyến du lịch đi bộ. Đầu tiên là tuyến đi bộ Mai Châu - Hang Kia - Pà Cò - Cun Pheo, tiếp đến là tuyến đi bộ Mai Châu - Pù Luông (Thanh Hoá) và tuyến Bản Tớn (xã Nam Sơn - Tân Lạc) - Pù Luông (Thanh Hoá) - Mai Châu. Các tuyến đi bộ này đã thực sự tạo được dấu ấn riêng cho du lịch Hoà Bình. “Tuy vậy, các tuyến du lịch đi bộ này chưa phải là điểm nhấn thú vị nhất”, anh Trần Văn Vĩ, hướng dẫn viên CTCPDL Hoà Bình gợi mở. “Điểm nhấn thú vị trong số các tuyến đi bộ ở Hoà Bình đang trong quá trình khảo sát mở tuyến và chuẩn bị đi vào khai thác chính là tour đi bộ xuyên rừng Pu Canh thuộc huyện Đà Bắc”, anh Việt nhấn mạnh.

 

Rừng Pu Canh thực chất là một Khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa phận 4 xã Tân Pheo - Trung Thành - Đoàn Kết - Đồng Chum, huyện Đà Bắc. Đây là một khu rừng giàu và đa dạng về thảm thực vật, động vật. Rừng Pu Canh không giống như những khu bảo tồn thiên nhiên khác. Ở đây vẫn còn nguyên sự hoang sơ, huyền bí và thâm u của rừng già như nó vốn có. Đặc biệt, khi đến đây, sau mỗi bước chân luôn là một điều thú vị được khám phá. Như cánh cửa mở toang,  đưa ta đến một thế giới của sự kỳ vĩ và ít nhiều cái cảm giác ngạo nghễ khi mình đã vượt lên được chính mình ở thử thách của ý chí và nghị lực.

 

Nếu đem so sánh với tuyến đi bộ trước đây thì tuyến đi bộ xuyên rừng Pu Canh là một điểm đến thú vị. Ở đây không chỉ là thiên nhiên hoang sơ mà nó còn đặc biệt ở sự đa dạng. Các tuyến đi bộ trước chỉ là những tuyến đi bộ mang tính chất thông thường, du khách chỉ được đi trên những con đường mòn khá bằng phẳng thuộc vùng đệm. Hầu như không có sự trải nghiệm khám phá. Còn ở tuyến đi bộ xuyên rừng Pu Canh thực sự là một chuyến đi đầy trải nghiệm, khám phá và còn có cả sự... xuýt xoa. Bởi khi tham gia, du khách sẽ đi vào vùng lõi rừng. Bước chân trên những con đường vừa đi vừa... mở dưới tán cây rừng đan sít dày đặc. Đường rừng luôn tạo ra những bất ngờ đến choáng ngợp. Tuyến đường thực sự là một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm. Khi thì làm cho người ta khó nhọc với dốc cao dựng đứng. Lúc thì lại mở toang cánh cửa một khu rừng mới để ai cũng hăm hở bước vào rồi chợt nhận ra nó cứ loanh quanh như ma trận. Bước qua, nó lại đẩy người ta đến một thế giới khác. Thế giới mà ta chỉ thấy ở vùng khí hậu ôn đới. Cây rừng cao vút, thẳng đều tăm tắp. Ở độ cao 700 - 800m có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vòng gốc to bằng 2 - 3 người ôm. Lên cao hơn một chút, người ta có thể gặp thông. Khi đó, bạn đang ở giữa khu rừng ôn đới với dòng suối róc rách chảy như một nốt nhạc êm của đại ngàn. Thật thú vị và hấp dẫn khi tự mình chinh phục mình bằng chuyến đi bộ xuyên qua những khu rừng, những đám ruộng bậc thang giữa lưng chừng núi, băng qua những dòng suối nhỏ với lèn đá, dập dờn sắc màu hoang dã của hàng trăm, hàng nghìn cánh bướm đủ sắc, đủ màu rực rỡ; quan sát những loại cây gỗ quý hiếm, rồi mê mẩn ngắm nhìn nhành lan tím đẹp đến mê hoặc; Khám phá các hang động hoang sơ trong lòng núi... “Thêm một điều thú vị nữa mà ai cũng có thể dễ dàng khám phá khi tham gia tour đi bộ xuyên rừng Pu Canh đó là trên suốt hành trình từ lúc bình minh đến khi mặt trời khuất sau đỉnh núi Pu Canh lúc nào cũng được nghe chim hót. Biết đâu và may mắn có thể gặp một số loại thú rừng mà ta chỉ có thể được chiêm ngưỡng ở trong các vườn thú như gấu, trăn, vượn, khỉ... Đó chính là phần thưởng lớn nhất khi bạn tham gia cuộc hành trình này”, anh Hà Quốc Việt nhấn mạnh.     

         

Cuộc hành trình... 3 trong 1

         

Tour đi bộ xuyên rừng Pu Canh được CTCPDL Hoà Bình xây dựng chương trình 4 ngày 3 đêm. Điểm bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, lên ngã ba xóm Chàm (Tân Pheo). Khách sẽ nghỉ ngơi, ăn trưa sau đó bắt đầu đi bộ xuyên rừng khoảng 3 - 3,5 giờ vào xóm Thùng Lùng (Tân Pheo) ăn tối và ngủ đêm tại đây. Sáng ngày thứ 2 du khách từ bản Thùng Lùng đi xuyên rừng khoảng 3 - 4 giờ sang bản Nhạp II (Đồng Chum), ăn trưa, nghỉ ngơi rồi thăm quan cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong một tour ngắn. Bản Nhạp là bản người Tày hiện nay vẫn còn lưu giữ được những nếp sống xưa cũ trong sinh hoạt thường ngày. Tối du khách sẽ được tham gia chương trình văn nghệ do chính người dân biểu diễn. Cùng uống rượu cần, nghe nhạc cồng chiêng âm vang của núi rừng và khi hứng khởi cùng biểu diễn văn nghệ với chính những người dân hiền lành, chất phác và nhiệt thành. Sang ngày thứ 3, cuộc hành trình đi bộ xuyên rừng mới thực sự là điểm nhấn. Bởi tuyến đường từ xóm Nhạp sang xóm Thẩm Luông (Đoàn Kết) được xem là đẹp nhất. Ở đây, du khách mới thực sự bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu, mạo hiểm với những đèo dốc cao, rất cao và dài. Đây cũng là tuyến đi tạo cho du khách nhiều cảm xúc.

 

Từ trên đỉnh Bưa Phay ở độ cao 700 - 800 mét đã là một thế giới khác. Khi mà ở đó, giữa mênh mông đất, mênh mông rừng núi, giữa mây, giữa trời ngọn nguồn của sự huyền bí, linh thiêng nơi núi rừng Pu Canh được khám phá. Đỉnh Bưa Phay chính là điểm dừng nghỉ ngơi, ăn trưa. Chẳng có gì thú vị hơn khi giữa bao la núi, bao la trời, tự mình đi chặt nứa, nổi lửa lam cơm, nướng thịt. Đó là một bữa ăn để lấy lại sức, nhưng hơn cả đây sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp. Con đường từ Bưa Phay về Thẩm Luông vẫn những con dốc cao dài, vẫn là chặng đường mạo hiểm và khám phá. Nhưng phía trước là một điểm dừng chân với vô vàn điều mới mẻ từ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào người Dao xóm Thẩm Luông. Nếu ai đó mới chỉ được thấy bộ váy áo sặc sỡ với nét hoa văn làm bằng tay cầu kỳ của người Dao trên phim ảnh thì ở đây họ sẽ được thấy, được sờ, được mặc. Thậm chí còn được những cô gái bản Dao dạy cho cách thêu đặc biệt của dân tộc mình. Cách thêu hoa văn trang trí trên váy áo của người Dao được làm bằng tay và thêu ngược từ mặt trái vải. Không thêu theo cách thông thường từ mặt phải. Nhưng sự hòa trộn sắc mầu, sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ vẫn được thể hiện sống động đầy bất ngờ. Với người Dao ở Thầm Luông, tất cả các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc vẫn còn được giữ nguyên vẹn trong mỗi nếp nhà. Một đêm nghỉ lại sẽ là dịp để du khách hòa mình, khám phá cuộc sống vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sơ. Sáng ngày cuối cùng, du khách sẽ tiếp tục cuộc hành trình xuyên rừng khoảng 1,5 - 2 giờ ra đến xe để về Hòa Bình. Điều đặc biệt của chuyến đi này, theo anh Hà Quốc Việt đó là: Chúng tôi sẽ cố gắng bố trí lịch để khi kết thúc hành trình cũng chính là ngày chợ phiên. Sẽ không có gì tuyệt vời hơn khi du khách vô tư hòa mình vào phiên chợ. Hòa mình cùng với sắc màu của núi.

 

Cuộc hành trình này, nói như anh Trần Văn Vĩ thì đây là cuộc hành trình 3 trong 1. Ngoài du lịch văn hóa còn là du lịch môi trường, du khách cùng tham gia bảo vệ môi trường và là một hành trình du lịch mạo hiểm vô cùng thú vị.

 

Với kinh nghiệm hơn 15 năm tham gia xây dựng và khai thác tour du lịch đi bộ ở các tuyến trong và ngoài tỉnh, CTCPDL Hòa Bình luôn cam kết phục vụ một cách chuyên nghiệp nhất. Tham gia chuyến đi, du khách được bảo hiểm và chăm sóc y tế một cách tốt nhất, luôn có cán bộ y tế đi theo phục vụ. Ngoài ra, có một thuận lợi ở tour đi bộ này mà ở các tour khác không có là tuyến đi bộ chạy song song và cách tuyến tỉnh lộ 433 không xa. Sẽ luôn có một ôtô chạy song hành để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra. Anh Trần Văn Vĩ cho biết: Tuyến đi bộ này, để đảm bảo an toàn chỉ được khai thác trong những tháng mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm. Nhưng, nếu khách có nhu cầu thì chúng tôi sẽ phục vụ trong bất kỳ thời gian nào.

 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm lữ hành thương mại - CTCPDL Hòa Bình, Hà Quốc Việt thì: Rút kinh nghiệm từ các tour đi bộ trước, tuyến đi bộ Pu Canh sẽ được xây dựng trên cơ sở phát triển bền vững. Quyết không để thương mại hóa làm mất đi các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, kết hợp du lịch với bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn văn hóa.

 

Khi hỏi về giá tính trên đầu khách, anh Việt cười: gGá cả đang là điều bí mật. Nhưng, chắc chắn giá cả sẽ đảm bảo phù hợp cho những ai thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích khám phá.

 

Lên Hòa Bình để...đi bộ, bạn hãy đến một lần. Đi, rồi sẽ biết, sẽ hiểu.

 

 

                                                                            Mạnh Hùng  

Các tin khác

Trang phục của người phụ nữ Dao Tiền
Ngôi nhà sàn Mường truyền thống tại bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong.

Tân Lạc: Giữ cho nền nhạc cụ dân tộc không mai một

(HBĐT) - Có một lớp học được dựng nên bởi tâm huyết của nhiều người mong muốn bảo tồn và phát huy nét độc đáo của văn hoá dân tộc. Nghệ nhân truyền dạy hay thế hệ sau khi đến lớp học đều mang trong mình tinh thần tự nguyện và lòng yêu mến, say mê.

Nghệ thuật múa của người Mường

(HBĐT) - Trong các loại hình nghệ thật dân gian truyền thống, hoạt động diễn xướng của người Mường trong các nghi lễ, lễ hội và đời thường luôn kèm theo các điệu múa, trong đó có nhiều loại hình múa dân gian sinh động. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, nhiều giá trị múa truyền thống của người Mường đã bị mai một.

Tân Lạc: Mở lớp truyền dạy văn hoá dân tộc Mường cho thanh niên

(HBĐT) - Ngày 9/4, huyện Tân Lạc đã tổ chức tổng kết 2 lớp học nhạc cụ dân tộc tại xóm Bui, xã Mãn Đức và xóm Mùn, xã Địch Giáo.

Kỳ Sơn nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

(HBĐT) - Với hơn 70% dân số là người dân tộc Mường, huyện Kỳ Sơn đã từng được biết đến như một xứ Mường bình yên và phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, những nét đẹp văn hoá truyền thống đang dần bị phai nhạt. Đứng trước thực tế đó, thời gian gần đây, huyện đã bắt đầu chú trọng việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

Bản sắc văn hoá trong trang phục dân tộc Mường

(HBĐT) - Người Mường có những đặc trưng riêng hết sức nổi bật về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục dân tộc. Chính điều đó đã tạo nên cho phụ nữ Mường nét duyên dáng, niềm tự hào khi khoác trên mình trang phục truyền thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục