Bài 2- "Tăng tốc” xây dựng đô thị xứng tầm 
(HBĐT) - Kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đô thị thể hiện nỗ lực phấn đấu của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, mới chỉ là những khởi động ban đầu để chuẩn bị cho hành trình tăng tốc, bứt phá phát triển đô thị của tỉnh xứng đáng với tiềm năng, lợi thế khi được quy hoạch và hưởng lợi nằm trong vùng Thủ đô.



Thành phố Hòa Bình quy hoạch khu đất có giá trị thương mại để đấu giá đầu tư hạ tầng, tạo diện mạo mới cho đô thị. Ảnh chụp tại Khu trung tâm Quỳnh Lâm. 

Theo đánh giá của ngành chức năng: Dù đạt được kết quả quan trọng phát triển đô thị, nhưng chất lượng đô thị trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều. Hiện tại, chỉ có TP Hòa Bình được xây dựng tập trung là đô thị trung tâm tỉnh Hòa Bình, nhiều cơ sở hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng, nhưng chưa thực sự phát huy vai trò đô thị trung tâm vùng. Chất lượng đô thị các thị trấn còn kém, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ. Các đô thị của tỉnh đều có diện tích nhỏ, hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn, quy mô, mật độ dân số đều không đạt các tiêu chí phân loại đô thị. Trong khi đó, nguồn lực để thực hiện đầu tư dựng xây hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hạn chế. Việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch gặp nhiều khó khăn, gây cản trở cho việc thu hút nhà đầu tư tiềm năng để triển khai thực hiện dự án ngay...

Trên cơ sở đó, các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, ban hành chương trình hành động cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035, hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển KT-XH của tỉnh, từng bước nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 38%. Theo đó, mục tiêu cụ thể cần triển khai là: lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035 trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2050 được phê duyệt. Phấn đấu nâng cấp đô thị TP Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn cơ bản đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú đô thị loại V, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V. Triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm cơ sở lập chương trình, kế hoạch phát triển đô thị: TP Hòa Bình; Lương Sơn; Đà Bắc; thị trấn Bo, Ba Hàng Đồi, Chi Nê, Vụ Bản, Mãn Đức, Phong Phú, Hàng Trạm. TP Hòa Bình triển khai quy hoạch phân khu các phường thành lập mới (Dân Chủ, Thống Nhất, Quỳnh Lâm, Trung Minh) và các phường hiện hữu để triển khai đầu tư các dự án đô thị...

Theo chỉ đạo của tỉnh, ngành chức năng và địa phương đã thực hiện các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị như: lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, thực hiện việc thiết kế các đồ án quy hoạch đạt chất lượng tốt, có tầm nhìn, đảm bảo phát triển đô thị bền vững, là cơ sở để thu hút đầu tư xây dựng. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý, quy hoạch đô thị; tăng cường năng lực quản lý của chính quyền đô thị. Tập trung xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch để phát triển đô thị, đồng thời có kế hoạch thu hút đầu tư vào các khu đô thị tại thành phố, thị trấn theo định hướng phát triển đô thị. Nhóm giải pháp về phát triển thị trường bất động sản; phát triển đô thị bằng dự án, chương trình lớn chịu ảnh hưởng của vùng Thủ đô Hà Nội: dự án cải tạo một khu đô thị, hoặc phát triển một khu đô thị mới hoàn chỉnh, đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; chương trình hoạt động về một lĩnh vực tác động tới toàn đô thị, các công trình công cộng lớn. Nhóm giải pháp về phát triển đô thị thông minh; phát triển đô thị tăng trưởng xanh...

Hiện nay, các địa phương đang thực hiện những giải pháp về xây dựng, quản lý, phát triển đô thị. Bí thư Thành ủy Hòa Bình Quách Tùng Dương cho biết: BTV Thành ủy đã phân khai nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động tốt nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các dự án, công trình trọng điểm có sức lan tỏa, mở ra không gian phát triển đô thị lớn như: cầu Hòa Bình 2, đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, dự án phát triển đô thị miền núi phía Bắc, cải tạo đường 435; dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp…; hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, tạo sự bứt phá về hạ tầng đô thị, du lịch, thương mại, để thực hiện mục tiêu xây dựng TP Hòa Bình sớm đạt chuẩn đô thị loại II.

Huyện Lương Sơn tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, đặt mục tiêu xây dựng trung tâm huyện và khu vực mở rộng trở thành thị xã trong tương lai. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Danh cho biết: Huyện đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng toàn huyện, làm cơ sở để triển khai đầu tư nâng cấp lên thị xã (đô thị loại IV), gồm 6 phường nội thị và 5 xã ngoại thị dự kiến; lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; lập chương trình phát triển đô thị nhằm rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng toàn huyện, để đầu tư nâng cấp lên thị xã; lập quy hoạch phân khu 6 phường nội thị dự kiến; lập quy hoạch chi tiết các khu trung tâm; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị, bảo đảm phát triển các khu vực nông thôn gắn liền với quá trình đô thị hóa.

Tỉnh chủ trương phát triển đô thị hướng đến mục tiêu đảm bảo phát triển gắn kết đô thị và nông thôn, ổn định sinh thái môi trường, duy trì hệ thống hạ tầng xanh quốc gia, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và đất đai, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Mở rộng không gian đô thị bằng cách đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, tạo điều kiện đất đai mở rộng phát triển đô thị. Chủ trương giao chỉ tiêu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển đô thị của UBND tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch, các ngành chức năng và địa phương tập trung rà soát, quản lý hiệu quả quỹ đất, đấu giá đất theo quy định. Nghiên cứu và thực hiện cơ chế huy động nguồn lực để Nhà nước giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án bất động sản (BĐS) trọng điểm, có sức lan tỏa, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, tăng tỷ lệ đô thị hóa. Tập trung đẩy mạnh giải pháp phát triển thị trường BĐS, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia các dự án BĐS. Siết chặt quản lý đô thị, quản lý đất đai theo quy hoạch, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước…


Lê Chung

 

Các tin khác


Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

(HBĐT) - Ngày 25/6, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì hội thảo với các giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc làm trưởng đoàn nhằm lấy ý kiến, tham gia vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tham dự hội thảo có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.

Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6

(HBĐT) - Chiều 24/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6, cho ý kiến bước đầu vào nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI để Đảng đoàn HĐND tỉnh xin ý kiến BTV Tỉnh ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ XXVIII

(HBĐT) - Ngày 24/6, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Tổ chức  T.Ư; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và BTV Huyện ủy Cao Phong. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến những nội dung quan trọng phát triển KT-XH

(HBĐT) - Ngày 23/6, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đánh giá hình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020; cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; đại diện các Ban Xây dựng Đảng T.Ư; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

“Vượt dịch” phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất, nhập khẩu 1,7 tỷ USD

(HBĐT) - Nghị quyết số 05-NQ/ĐH của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015, đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu xuất, nhập khẩu của tỉnh. Song với tinh thần quyết tâm, các ngành chức năng đang triển khai những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nỗ lực ổn định và phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần XIV

(HBĐT) - Sáng 22/6, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục