Thành phố Hòa Bình hôm nay.
Chúng ta đang trải qua giai đoạn gian khó, bởi phải đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống KT-XH, SX-KD của người dân, doanh nghiệp. Song, khắc ghi khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, KT-XH của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh bước đầu thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa phục hồi, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 16%, thuộc nhóm các tỉnh tăng trưởng cao nhất cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP tiếp tục chuyển dịch tích cực với tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,92%; công nghiệp - xây dựng 44,45%; dịch vụ 30,55%; thuế sản phẩm 5,08%.
Một số lĩnh vực tăng trưởng khá, thể hiện ở giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường và chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25,89%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24,29% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu tăng 29,64%; giá trị nhập khẩu tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước... Các lĩnh vực VH-XH, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; quốc phòng đảm bảo, tăng cường.
Có được những kết quả đáng phấn khởi như vậy, trước hết là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trong đó phải nói đến UBND tỉnh đã sớm ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và QP-AN tỉnh Hòa Bình năm 2021 với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện; ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2021; phát động phong trào thi đua chuyên đề: "Thi đua thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH năm 2021”, qua đó làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác thu hút đầu tư và hoạt động SX-KD của doanh nghiệp, nhất là đối với các lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt là tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược đã được xác định trong NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đó là: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định của pháp luật; hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; phát triển kết cấu hạ tầng.
Có thể nói, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, song trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với đó là thiên tai dự báo xuất hiện các hiện tượng cực đoan, sẽ có tác động lớn đến tình hình KT-XH và kết quả thực hiện các chỉ tiêu của năm 2021, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu NSNN, thu hút đầu tư... Do vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực ở mức cao nhất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2021; thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả "mục tiêu kép" để phát triển KT-XH, bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của nhân dân.
Tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố thời kỳ 2021-2030 để làm "chìa khóa" mở ra các nhiệm vụ khác, mục tiêu vì sự phát triển của tỉnh.
Quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh (DDCI) các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chú trọng cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thành lập và hoạt động. Tập trung xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh...
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp SX-KD. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước trong thực thi công vụ, nhiệm vụ...
Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự chung sức, đồng trí hướng của các cấp, các ngành, đội ngũ CB,CC,VC, tin tưởng rằng tỉnh Hòa Bình sẽ vững vàng vượt qua gian khó, ngày một đổi mới và phát triển, xứng đáng với truyền thống tỉnh anh hùng trong kháng chiến.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh thăm, tặng quà cán bộ, công nhân Nhà máy thủy điện Hòa Bình.