Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, khả thi theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, từ ngày 24/7 khi thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên, trung bình mỗi ngày thành phố có 71,2 ca mắc mới. Đến đợt giãn cách thứ 4, thành phố chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày và hiện còn khoảng 15 ca/ngày.
"Trên địa bàn thành phố vẫn xuất hiện một số điểm nóng về dịch như phường Việt Hưng (quận Long Biên), Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và một số địa bàn thuộc quận Hoàng Mai, Đống Đa. Vì thế, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống”, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, dự kiến sau 21/9, thành phố Hà Nội sẽ không chia 3 phân vùng nữa, mà nơi nào nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" khoanh vùng với quy mô hẹp. "Điểm đỏ" áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là "vùng vàng", còn lại là xanh. Việc kiểm soát dịch được thực hiện theo tinh thần thu hẹp tối đa "vùng đỏ". Bên cạnh việc nới lỏng, thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh, thành phố lân cận về việc phối hợp quản lý người ra, vào thành phố.
"Sau ngày 21/9, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, khả thi theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ giao các quận, huyện chủ động xem xét, quyết định phê duyệt phương án phòng, chống dịch ở địa phương", Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên khi có nguồn cung vaccine vào tháng 10 và 11 tới. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR để kiểm soát người dân ra đường. Đồng thời chú trọng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không di chuyển về thành phố; các điều kiện cần thiết để các công trình xây dựng hoạt động trở lại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý về nguy cơ xâm nhập dịch từ các địa phương về Hà Nội qua đường bộ, đương thủy đường hàng không; lộ trình, phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học học tập; quản lý việc ra, vào địa bàn, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn Thủ đô; phương án phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; tiếp tục nghiên cứu việc đi lại của người dân; xét nghiệm tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, chú ý phương án tổ chức sản xuất trở lại an toàn.
Theo Vtv.vn
Chiều 16/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã trao Quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với bốn Thẩm phán cao cấp, sau khi đã được Quốc hội phê chuẩn.
(HBĐT) - Sáng 16/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì, điều hành hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương cùng dự.
Tối 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng bốn Bộ trưởng tiếp tục trao đổi trực tuyến với lãnh đạo sáu phường, xã đang có diễn biến dịch phức tạp để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại những địa bàn này, gồm: phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá; xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang; xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang; phường An Hòa, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và thị trấn Long Bình, huyện An Phú của tỉnh An Giang.
(HBĐT) - Sáng 15/9, hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại điểm cầu Trung ương (T.Ư), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan nội chính ở T.Ư.
(HBĐT) - Sáng 14/9, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến với lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), nghe Tập đoàn và đơn vị tư vấn báo cáo tình hình thực hiện, phương án ý tưởng quy hoạch và các vướng mắc, đề xuất, kiến nghị tại dự án Khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Thung Nai trên địa bàn 2 huyện Cao Phong, Tân Lạc. Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; một số sở, ngành chức năng…
Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 317 xã, phường, thị trấn; 26 huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang.