Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Hội thảo nhằm triển khai, cụ thể hóa các kết luận rất quan trọng của Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 4, khóa XIII về một số vấn đề KT-XH trên tinh thần đổi mới tư duy, phương thức về kiểm soát, phòng, chống dịch (PCD) bệnh gắn với phục hồi, duy trì, phát triển SX-KD; thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ tháng tư đến nay, Việt Nam phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của dịch bệnh trên mọi mặt của đời sống KT – XH. Tổng sản phẩm trong nước quý III giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số kinh tế vĩ mô không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn. Tác động của đại dịch đã làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế và trong các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến sự đứt gãy kết nối giữa tổng cung và tổng cầu. Dịch bệnh khiến sản xuất bị ngưng trệ, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, sẽ làm gia tăng nợ xấu trong khu vực ngân hàng; đồng thời để lại hệ lụy lâu dài về các vấn đề xã hội, nguồn nhân lực, nhất là với thế hệ trẻ. Tỷ lệ hộ nghèo tính theo thu nhập đang có dấu hiệu gia tăng… Đây là những vấn đề nghiêm trọng chưa từng xảy ra ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Tại hội thảo, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, bàn thảo những vấn đề được quan tâm về: Phục hồi và phát triển kinh tế thích nghi với đại dịch giai đoạn 2022 - 2023; quản trị, ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua; tăng cường hiệu quả hệ thống thông tin trong phòng, chống đại dịch; vấn đề giảm các rủi ro về y tế; khai thông điểm trung chuyển trong lĩnh vực giao thông vận tải; việc giữ chân người lao động, đưa lao động trở lại làm việc với điều kiện đảm bảo an toàn; vai trò hỗ trợ của hệ thống ngân hàng trong phục hồi kinh tế và việc mở rộng ưu đãi thuế…
Bên cạnh đó, các địa phương đã chia sẻ về cách làm, mô hình hiệu quả vừa đảm bảo PCD hiệu quả, vừa duy trì, phát triển KT – XH, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khắc phục các đứt gãy kinh tế; tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi "mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: Đại dịch đã khiến nền kinh tế bị tổn thương nặng nề. Muốn khôi phục, trước hết cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Giải pháp đầu tiên vẫn là phải đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm "5K”, vắc xin, công nghệ, nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong PCD. Thứ hai là thích ứng linh hoạt, quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong…
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong chỉ đạo khôi phục sản xuất cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường năng lực của cán bộ thực thi nhiệm vụ; lãnh đạo phải tập trung, thống nhất; tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo phù hợp tình hình; phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra và tăng cường nguồn lực. Bên cạnh đó, giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp. Khôi phục doanh nghiệp, tăng tổng cung tổng cầu, nối lại thị trường lao động. Đặc biệt là phải quản lý sự thay đổi, biến thách thức thành cơ hội. Xem đây là cơ hội để chúng ta vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc…
H.N