Đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
P.V: Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, chất lượng, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Xin đồng chí thông tin khái quát những nội dung, kết quả của kỳ họp?
Đồng chí NGÔ VĂNTUẤN: Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV được tổ chức sau khi Hội nghị lần thứ tư, BCH T.Ư Đảng thành công tốt đẹp.Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp,tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Với khối lượng công việc nhiều, nội dung hết sức quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý và kỳ vọng lớn của cử tri và Nhân dân cả nước, sau 16,5 ngày làm việc chia làm 2 đợt, với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, đoàn kết, khẩn trương, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình nghị sự đã đề ra. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 2 dự án luật, 12 Nghị quyết,cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác.
Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cho ý kiến vào các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020; các báo cáo của khối ngành tư pháp và thi hành án…
Trong bối cảnh dịch bệnh, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp thứ hai thành 2 đợt. Đối với đợt họp trực tuyến, đây là kỳ họp có số ngày họp trực tuyến dài nhất từ trước đến nay (11 ngày). Mặc dù họp trực tuyến nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học về hạ tầng, công nghệ thông tin đã giúp các phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn, hoàn thành đúng tiến độ chương trình, nội dung, chất lượng được đảm bảo. Các phiên họp tại tổ và thảo luận trực tuyến diễn ra sôi nổi, các ĐBQH đoàn Hòa Bình đã tham gia nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tôi cũng như các ĐBQH trong đoàn đánh giá cao hiệu quả của việc tổ chức họp trực tuyến trong kỳ họp lần này.
P.V: Công tác chuẩn bị cho kỳ họp cũng như những hoạt động chính của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ hai đã được tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí NGÔ VĂN TUẤN: Để chuẩn bị cho việc tham dự Kỳ họp thứ hai, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng, tổ chức nhiều hội nghị với các cơ quan hữu quan để làm tốt công tác chuẩn bị nội dung; có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, tiếp xúc cử tri để nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân. Tại Kỳ họp thứ hai, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có những hoạt động tích cực, tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung theo chương trình kỳ họp. Các ĐBQH trong Đoàn đã phát huy trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, chủ động tham gia phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc về các dự án luật, nghị quyết phát triển KT-XH và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa về các dự án luật được trình tại kỳ họp và qua xem xét các báo cáo của Chính phủ, các ĐBQH đoàn Hòa Bình đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết trong các buổi thảo luận tại tổ,tại hội trường về hoàn thiện chính sách, đánh giá tác động của các dự án luật, các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2022; việc thu NSNN năm 2021 và phân bổ ngân sách năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác. Các ĐBQH cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế thực tế trong quản lý,sử dụng Quỹ BHXH, BHYT, trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là tại các địa bàn các tỉnh miền núi,xã khó khăn, địa bàn đặc thù như tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, các đại biểu trong Đoàn đã nghiên cứu, đề xuất một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục, phát triển KT-XH của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Bên cạnh đó, trong thời lượng 2,5 ngày dành cho công tác chất vấn trả lời chất vấn, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tế địa phương, các ĐBQH đoàn Hòa Bình đã chất vấn các Bộ trưởng ở nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục, kế hoạch - đầu tư.
P.V: Sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh có kế hoạch, hoạt động gì nhằm triển khai thực hiện các nội dung chương trình, các nghị quyết Quốc hội khóa XV đã thông qua tại kỳ họp này đến với người dân trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí NGÔ VĂN TUẤN: Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình công tác năm 2021 của Đoàn, các luật, nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chủ động, tích cực trong rà soát, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực thuộc các dự án luật dự kiến trình Kỳ họp thứ ba, đáp ứng tinh thần từ sớm, từ xa trong công tác xây dựng pháp luật. Trước mắt, Đoàn tiến hành tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ hai đến cử tri và Nhân dân,nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác giám sát những vấn đề cử tri,Nhân dân quan tâm để phát huy những mặt tích cực, khắc phục bất cập, hạn chế, trong đó có giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016 - 2020”. Ngoài ra, Đoàn xây dựng kế hoạch giám sát đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, Đoàn chú trọng công tác tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại xử lý và chuyển đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, đồng thời, theo dõi, đôn đốc, tích cực giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Đoàn ĐBQH chủ động nắm bắt tình hình thực tế, tham mưu cho Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Đinh Hòa (TH)