(HBĐT) - Ngày 3/12, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022; báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2021 và phương án phân bổ ngân sách năm 2022. Năm 2021, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả, có nhiều đổi mới. Ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Dự kiến có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021. Một số kết quả cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 23,13%; công nghiệp - xây dựng 40,07%; dịch vụ 30,96%; thuế sản phẩm 5,84%. Trong năm, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả tích cực.
Các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021; đồng thời phân tích, làm rõ những chỉ tiêu không đạt như: Tăng trưởng kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động; tỷ lệ người dân tham gia BHYT; những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân. Tập trung vào một số nội dung: Thu NSNN từ đất, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả thấp; công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại TP Hòa Bình; công tác phát triển đảng viên; tình hình thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp đột phá để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2022.
Hội nghị cũng cho ý kiến đối với tờ trình của BTV Tỉnh ủy, dự thảo văn kiện thay thế Quy định số 47, ngày 12/5/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; tờ trình của BTV Tỉnh ủy, dự thảo Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) năm 2021 và Chương trình công tác KTGS năm 2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025...
Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và phát biểu kết luận, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Các cấp, ngành, địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, có giải pháp quyết liệt phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021, xây dựng và triển khai kế hoạch năm 2022. Trong đó triển khai toàn diện công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác KTGS; tăng cường nắm bắt tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo; tập trung chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân, đặc biệt là các hộ chính sách, hộ nghèo. Đặc biệt coi trọng việc đánh giá năng lực tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đánh giá cán bộ đa chiều, lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải gắn với thực hiện các nhiệm vụ, khâu đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã chỉ ra. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch; hoàn thiện thủ tục, giải phóng mặt bằng khởi công các công trình trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; quan tâm giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động...
Quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường quản lý tốt nguồn thu, khai thác nguồn thu từ đất; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, hạn chế nợ đọng. Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường quản lý NSNN, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm, thắt chặt các khoản chi chưa thật cần thiết, tăng dự phòng ngân sách các cấp chủ động sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ chi đột xuất, nhất là phòng, chống dịch Covid-19, ứng phó với thiên tai, an sinh xã hội.
Lê Chung