(HBĐT) - Ngày 5/12, Quốc hội khóa XV đã tổ chức diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững theo hình thức trực tuyến toàn quốc. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì diễn đàn. Tham gia diễn đàn có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam; Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam; Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; Văn phòng ILO khu vực Châu Á Thái Bình Dương; các học giả, các chuyên gia kinh tế, các bộ, ban, ngành T.Ư.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu sự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Dự diễn đàn tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026; lãnh đạo các Sở: Tài Chính, KH&ĐT, LĐ-TB&XH; Ngân hàng Nhà nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển KT-XH, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025.
Theo Chủ tịch Quốc hội, diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu PCD Covid-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại văn kiện Hội nghị trung ương 4, khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc 1 ngày, các đại biểu đã nghe và tham gia nhiều ý kiến tại phiên tọa đảm toàn thể, tọa đàm cấp cao và 2 phiên tọa đàm chuyên đề. Cụ thể, phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồ phát triển KT-XH; phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam; khuyến nghị chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Tọa đàm cấp cao, nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới đã được đặt ra cho các diễn giả.
Tại tọa đàm cấp cao, nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới đã được đặt ra cho các diễn giả. Tọa đàm chuyên đề 1, các đại biểu, các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ những ý kiến xoay quanh việc phối hợp các chính sách tài khóa tiền tệ, linh hoạt, hiệu quả tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô phục hồi kinh tế, trong đó trọng tâm nhấn mạnh chính sách thuế cho giai đoạn phục hồi kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị dành cho Việt Nam; chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy để bứt phá, phát triển kinh tế. Tọa đàm chuyên đề 2, các đại biểu đã trao đổi, nêu ý kiến về việc đảm bảo an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, trọng tâm là đẩy mạnh đào tạo nghề ,góp phần cung ứng nhan lực có kỹ năng cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước; các khuyến nghị về chính sách lao động, thị trường lao động và việc làm tại Việt Nam; an sinh xã hội cho các nhóm dễ tổn thương trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý kiến thảo luận của các đại biểu, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tại diễn đàn. Đồng chí nhấn mạnh: Với các nội dung toàn diện cả về kinh tế và xã hội được thảo luận kỹ lưỡng, các đề xuất được đưa ra tại diễn đàn sẽ giúp Quốc hội có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn để xem xét, quyết định các chính sách hỗ trợ, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới trong thời gian ngắn nhất đồng thời lan tỏa, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Đ.H