Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Mông Hoá (TP Hoà Bình).
Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động, nghị quyết, đề án cụ thể hóa NQĐH XVII Đảng bộ tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các ngành, địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các khâu đột phá chiến lược được xác định trong NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đến nay, việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược đã đạt được kết quả quan trọng. Về quy hoạch, đã hoàn thành giai đoạn 1 quy hoạch thời kỳ 2021 - 2031, tầm nhìn đến năm 2050, đang tiến hành các bước giai đoạn 2, đạt mục tiêu đến quý III/2022 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch tỉnh xác định rõ hướng phát triển của tỉnh là thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP với các trụ cột tăng trưởng chính là: Du lịch sinh thái; công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch. Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 các huyện, thành phố; đang lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện và một số vị trí có tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, tập trung quy hoạch khu vực tuyến đường liên kết vùng, đường Hoà Lạc - TP Hòa Bình, điều chỉnh quy hoạch chung TP Hoà Bình, huyện Kim Bôi, Yên Thuỷ… Đối với hạ tầng, BTV Tỉnh ủy ban hành đề án phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, tỷ lệ đầu tư 53% tổng nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao. Tỉnh đã phê duyệt chủ trương các dự án giao thông trọng điểm như: Đường liên kết vùng Kim Bôi nối với cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường Quang Tiến - Thịnh Minh; dự án kết nối hạ tầng giao thông thuỷ lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia… Tỉnh đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/8/2021 của BTV Tỉnh uỷ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng chống biến đổi khí hậu, xây dựng nghị quyết của BTV Tỉnh uỷ tập trung huy động nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí cấp thị xã; đầu tư hạ tầng đô thị để nâng cấp TP Hoà Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước. Làm việc, kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào địa bàn; đồng thời chủ động làm việc với các bộ, ngành T.Ư để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư. Bên cạnh đó chỉ đạo cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nâng cao vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ để thu hút nhà đầu tư có tiềm năng vào tỉnh; lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, phù hợp với tiêu chí thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn để phục vụ phát triển KT-XH. Tỉnh tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chế giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, sớm khởi công để hoàn thành dự án, đưa dự án đi vào hoạt động; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển. Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn đã đề xuất dự án đầu tư tại tỉnh như: Vingroup, SunGroup, FLC, Flamingo... dự kiến sẽ khởi công dự án trong năm 2022.
Thực hiện khâu đột phá về nguồn nhân lực, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 11/10/2021 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều giải pháp định hướng, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp, hướng tới nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức truyền thông, định hướng, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp…
Công ty TNHH điện tử Lạc Sơn (Lạc Sơn) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nhằm tiếp tục thực hiện các chương trình hành động, các khâu đột phá và các đề án, nghị quyết chuyên đề, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các cơ quan liên quan, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng để thực hiện, gắn với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều kiểm điểm tiến độ thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đã đề ra. Kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch đề ra là cơ sở quan trọng để đánh giá kết quả và chất lượng công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ đối với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu; lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan tới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng bộ máy cấp ủy, chính quyền đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, sớm khởi công để hoàn thành dự án, đưa dự án đi vào hoạt động; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu xuyên suốt; lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh.