Đại biểu Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
Đối với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Về cơ chế quản lý đất đai, cơ chế phân cấp phân quyền, điều chỉnh quy hoạch, đại biểu đề nghị cần áp dụng chung cho tất cả các địa phương trên cả nước, do đây là vướng mắc chung. Đồng thời, đại biểu cho rằng việc quan trọng trong quản lý đất đai là phải lập được cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để quản lý chặt chẽ, tập trung dữ liệu về đất đai. Về quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết hiện không quy định rõ về cơ chế tài chính nên cần phải làm rõ nguồn thu của quỹ để đảm bảo chặt chẽ. Theo đại biểu, chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09, tuy nhiên cần quy định cơ chế để kiểm soát vấn đề quốc phòng - an ninh.
Liên quan đến vấn đề quốc phòng - an ninh, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, một số doanh nghiệp khi vào đầu tư ở các khu kinh tế Vân Phong rất khó triển khai thực hiện vì khi đó chúng ta phải kiểm soát để đảm bảo quốc phòng - an ninh. Do vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ khu vực nào được doanh nghiệp tiến hành đầu tư và phải có điều kiện ràng buộc đối với khu vực bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thảo luận.
Tham gia đóng góp tại phiên thảo luận tổ về tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 38/2004/QH11 và phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết số 66/2013/QH13. Theo kế hoạch, đến năm 2020 hoàn thành nối thông toàn tuyến, tuy nhiên đến năm 2022 đã quá so với thời hạn Nghị quyết số 66 gần 2 năm nhưng vẫn có 3 đoạn chưa hoàn thành. Đại biểu cho rằng, theo báo cáo và Tờ trình của Chính phủ thì từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư 2 đoạn còn lại là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận; còn đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến sẽ đầu tư sau năm 2025. Cùng với đó, trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến có đề xuất tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 để nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe, nhưng trong Tờ trình và báo cáo của Chính phủ lại không nêu rõ hình thức đầu tư và thời điểm kết thúc dự án này. Do vậy, để đảm bảo tiến độ và hiệu lực của Nghị quyết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, bố trí nguồn lực đầu tư toàn bộ để hoàn thành 3 dự án thành phần còn lại trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Đồng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Ngô Văn Tuấn cho rằng, Dự án đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia. Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2021, dự án mới hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1%, trong khi đó thực tế hiện nay, việc bố trí vốn đang dàn trải, không đầy đủ, cơ chế chưa phù hợp dẫn đến việc hoàn thành thông tuyến còn khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát toàn bộ hướng tuyến, có cơ chế và bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải để phấn đấu đến năm 2025 thông toàn tuyến.
Ngô Hường
(Văn Phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)