(HBĐT) - Ngày 3/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 10 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ở tổ.
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nghe các nội dung: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tại phiên thảo luận đã có 16 ĐBQH phát biểu, 5 ĐBQH tranh luận, trong đó các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; đồng thời tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, các ĐBQH tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết; các nguyên tắc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; quy định phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; thời gian thực hiện thí điểm; cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, sự tương thích giữa nội dung Nghị quyết với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhà đầu tư hợp tác với trại giam. Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, bổ sung hiệu quả việc tổ chức lao động dạy nghề, hướng nghiệp ngoài trại giam thời gian qua; bổ sung, đánh giá cụ thể hơn việc vận dụng Nghị quyết 132 trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất quốc phòng, an ninh thuộc phạm vi quản lý trại giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Về quy định các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, các đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, trình tự, thủ tục; cân nhắc đối tượng dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, những người tổ chức trong vụ án đồng phạm.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tham gia thảo luận tại tổ đại biểu, đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Luật Dầu khí đã được xây dựng từ khá lâu (năm 1993), do vậy để đáp ứng được thực tiễn, việc sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, quy định chặt chẽ hơn về các nội dung liên quan trong dự thảo, nhất là về việc giải thích từ ngữ.
Đối với quy định về Hợp đồng dầu khí tại Chương III, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải xem xét quy định việc Tập đoàn Dầu khí không phải là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại là đại diện nước chủ nhà Việt Nam khi ký kết các hợp đồng dầu khí. Theo đại biểu cần xem xét, nghiên cứu chuyển thẩm quyền này cho các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, cũng cần có đánh giá kỹ về vấn đề phê duyệt hợp đồng dầu khí vì thực tế nếu do Thủ tướng quy định thì sẽ rất khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ.
Về nội dung đấu thầu và chỉ định thầu, đại biểu đề nghị sau khi đấu thầu nên giao cho nhà thầu thực hiện việc đánh giá trữ lượng. Nếu trong trường hợp không khai thác đạt yêu cầu thì các nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án. Trong trường hợp khai thác được nhiều hơn thì nhà nước vẫn thu theo quy định.
Bên cạnh đó, về nội dung đề nghị sửa đổi các luật khác có liên quan, theo đại biểu là chưa cần thiết. Dự thảo cần tập trung sửa đổi những tồn tại hiện nay và các vấn đề có liên quan chủ yếu là bảo đảm trữ lượng, xác định chi phí đầu tư… còn các nội dung dung khác không nên sửa trong luật Dầu khí mà sửa trong các luật khác sẽ phù hợp hơn. Đồng thời, phải có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện sửa đổi các luật này để bảo đảm tính đồng bộ, đúng quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, đại biểu Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị, cần xác định chi tiết, cụ thể về vai trò của Tập đoàn Dầu khí và đại diện của nước chủ nhà trong thực hiện hợp đồng dầu khí.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà băn khoăn về việc bảo đảm tính công bằng trong đấu giá tần số vô tuyến điện. Do vậy, đại biểu đề nghị làm rõ nội dung này và xem xét tính khả thi khi thực hiện.
Liên quan đến nội dung đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cũng cho rằng cần công khai minh bạch, quản lý tài nguyên đúng nghĩa vụ. Đồng thời, nhấn mạnh về nội dung cho phép doanh nghiệp quốc phòng - an ninh sử dụng tần số riêng để phục vụ quốc phòng - an ninh và phục vụ hoạt động kinh tế, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho rằng, phải có đánh giá kĩ lưỡng, phương án cụ thể không ảnh hưởng đến nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và việc khai thác kinh tế. Trước mắt, có thể thí điểm nội dung này. Đồng thời, theo đại biểu cần phải có tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng đối với chất lượng dịch vụ của các công ty cung cấp dịch vụ di động, nhất là cần phải thực hiện kiểm tra, giám sát khách quan nội dung này để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
P.V (TH) - Hoài Thu (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)
(HBĐT) - Chiều 1/6, Thường trực Tỉnh ủy và Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở tại tỉnh Hòa Bình.
(HBĐT) - Sáng 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội QH) Trần Thanh Mẫn, QH tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 1/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
(HBĐT) - Chiều 31/5, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) năm 2021 của tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CCHC tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Nhân dịp tham dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 30/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh về một số nội dung liên quan đến hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất rừng của tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025.
(HBĐT) - Ngày 30/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa (DSVH) mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách DSVH phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Tham dự có đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; lãnh đạo Viện Âm nhạc; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đắk Lắk, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị; cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh.