(HBĐT) - Sáng 6/6, tiếp tục chương trình làm việc, trong ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng, bao gồm: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tiếp đó, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở Tổ về các nội dung trên.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở Tổ sáng 6/6.
Phát biểu thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ và đồng tình cao với các dự án. Việc sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm không chỉ giúp kết nối các địa phương trong vùng mà còn góp phần hỗ trợ phát triển, phục hồi kinh tế, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc, đại biểu Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết đầu tư các dự án. Tuy nhiên, đây là những dự án có suất đầu tư rất lớn, do vậy đại biểu băn khoăn về khả năng giải ngân và việc cân đối nguồn vốn, đại biểu đề nghị cần có sự cân nhắc, tính toán về vấn đề hấp thụ nguồn vốn để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Đối với dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, có tổng chiều dài hơn 76 km, đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km. Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Đại biểu cho rằng tuy chỉ có chiều dài 76 km nhưng chi phí đầu tư giải phóng mặt bằng quá lớn. Do vậy, đại biểu đề nghị cần tính toán, cân nhắc điều chỉnh lại hướng tuyến để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư các dự án công trình đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thời gian, tiến độ thực hiện dự án, chất lượng cũng như việc phân bổ nguồn vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, đại biểu còn cho rằng các dự án có suất đầu tư rất lớn. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm, rà soát, cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng để tính tổng mức đầu tư; xem xét lại tiến độ tiến độ triển khai các dự án để đảm bảo các quy định của pháp luật. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù bỏ qua tất cả các Luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… như vậy có phù hợp với các quy định của pháp luật không và ai là người chịu trách nhiệm?
Bùi Hiển (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)