Tại Việt Nam hiện có 388 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động. Trong năm 2022, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ngày càng được quan tâm sát sao, đánh giá đúng bản chất, tạo cơ chế, củng cố bộ máy quản lý và có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định, phù hợp với định hướng ưu tiên của các địa phương, bộ, ngành. Việc hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại vùng dự án. Công tác vận động, kết nối hợp tác với các tổ chức, đối tác quốc tế ngày càng được chú trọng.
Tại tỉnh Hòa Bình, hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ đã được tuân thủ nghiêm theo Nghị định số 12 của Chính phủ. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 16 tổ chức phi chính phủ nước ngoài/cơ quan hợp tác quốc tế đang hoạt động. Các tổ chức đều có giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, giấy phép lập Văn phòng dự án hoặc giấy phép hoạt động theo quy chế về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; tôn trọng pháp luật của Nhà nước cũng như truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương. Không có tổ chức nào có hoạt động phức tạp, trái quy định.
Năm 2023, dự báo tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ bất ổn gia tăng, nhiều vấn đề vượt ngoài dự báo. Để nâng cao hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, hội nghị đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính; kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác phi chính phủ nước ngoài; đa dạng hóa hình thức, phương pháp vận động; tổ chức thực hiện tốt Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
P.V