Sáng 15/3, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp dự kiến diễn ra trong 4 ngày từ 15 đến 20/3, chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 7 dự án Luật và một dự án đầu tư.
Trong đó, cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu chỉnh lý 3 dự án Luật đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Theo kế hoạch, đối với Luật Đấu thầu sửa đổi và Luật Giá sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn làm cơ sở cho việc tiếp thu và chỉnh lý.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023 dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội cho biết dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến bảo đảm việc tích hợp, tương thích giữa 2 dự án Luật trên với Luật Đất đai (sửa đổi).
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Đồng thời, cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Hồ chứa nước Ka Pét của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trên cơ sở đề nghị của Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (20/3) để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trả lời chính. Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách ngành lĩnh vực có thể tham gia báo cáo giải trình thêm nội dung này.
Quang cảnh phiên họp sáng 15/3. (Ảnh: DUY LINH)
Tại kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền, bao gồm: xem xét đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án Luật Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét, ban hành Kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội đồng chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng, chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cả địa phương cho nhiệm kỳ khóa XVI; xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước và công tác dân nguyện tháng 3/2023.
Nhấn mạnh nội dung phiên họp rất phong phú và quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần đã có từ các phiên họp trước đến nay, tích cực nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn hoặc những vấn đề mà còn có ý kiến khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 5.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung đầu tiên của phiên họp: cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Theo báo Nhân Dân
(HBĐT) - Ngày 10/3, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Dự đại hội có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
(HBĐT) - Ngày 9/3, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã làm việc với BTV Huyện ủy Kim Bôi về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, quản lý, quy hoạch xây dựng; tình hình triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy và các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.
Chiều 7/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao Giải thưởng Kovalevskaia nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) nhằm ghi nhận, biểu dương những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước.
Sáng 7/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chiều 6/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trương Thị Mai giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng Ban Tổ chức TW.