Chiều 27/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đang thăm, làm việc tại Việt Nam và bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cùng các cộng sự.


Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Vui mừng gặp lại bà Manuela V. Ferro và hoan nghênh bà cùng các đồng nghiệp thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng những hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ năm 1993 đến nay, với tổng số vốn lên tới 24 tỷ USD, nhất là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Việt Nam - Ngân hàng Thế giới; mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Manuela V. Ferro cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn; cho biết, Ngân hàng Thế giới đã tin tưởng và đặt Văn phòng khu vực Ngân hàng Thế giới của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hà Nội; khẳng định Ngân hàng Thế giới mong muốn và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hoạt động của Văn phòng tại khu vực hoạt động hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho cả 3 quốc gia.

Chuyển lời hỏi thăm của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Banga tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và mong muốn thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết, Ngân hàng Thế giới đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam để rà soát kỹ lưỡng các dự án, đồng thời xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới giai đoạn mới.

Cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã tin tưởng và đặt Văn phòng khu vực Ngân hàng Thế giới của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hà Nội, Thủ tướng chúc mừng bà Mariam J. Sherman trên cương vị Giám đốc Quốc gia Văn phòng khu vực; tin tưởng với bề dày kinh nghiệm của mình, bà Mariam J. Sherman sẽ có nhiệm kỳ thành công tốt đẹp tại Việt Nam.

Cho biết, sẵn sàng đón tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh đề xuất của Ngân hàng Thế giới về việc cho Việt Nam vay khoảng hơn 11 tỷ USD cho khoảng 20 dự án trong vòng 5 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng thông quy mô lớn, năng lượng, nông nghiệp...

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới nghiên cứu các mô hình quản lý vốn linh hoạt, thay đổi tư duy, cách tiếp cận, dành vốn vay ưu đãi tập trung phát triển hạ tầng quy mô lớn, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đường sắt đô thị tại Hà Nội, dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành trao đổi, làm rõ với Ngân hàng Thế giới về những khác biệt chính sách và đề xuất giải pháp để giải quyết những sự khác biệt, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn bị, đàm phán, triển khai các dự án. Trong đó, Việt Nam thực hiện 5 thay đổi bao gồm: quản trị, cơ cấu đầu tư, cải cách thủ tục và với cách tiếp cận lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực của sự phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.

Cho biết, Việt Nam đã, đang và tiếp tục thực hiện rà soát về thể chế, chính sách, tháo gỡ các vướng mắc, tinh giản thủ tục, để đẩy mạnh huy động các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án lĩnh vực năng lượng, trong đó có Dự án REACH của Ngân hàng Thế giới, Thủ tướng cảm ơn và mong muốn Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, mở ra cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu của Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai bên phối hợp xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2025 - 2029, xác định định hướng hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, nhất là khả năng huy động và nguồn lực hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với danh mục tài trợ cho Việt Nam.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, bà Manuela V. Ferro đánh giá cao thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có sự hợp tác rất hiệu quả với Ngân hàng Thế giới; mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và đến năm 2050 bằng những hành động, dự án cụ thể. Ngân hàng Thế giới tiếp tục cùng Việt Nam thảo luận, đưa ra các giải pháp để xử lý, xúc tiến công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn như kỳ vọng của Thủ tướng vì thành công của Việt Nam cũng là thành công của Ngân hàng Thế giới.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Chất vấn 4 nhóm vấn đề

Theo chương trình phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra hiện trường vụ cháy tại Cầu Giấy, Hà Nội

Sáng sớm 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về 3 dự án luật

Theo chương trình, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Thông cáo báo chí số 5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV​

Thứ Năm, ngày 23/5/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 7 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Xem xét việc cấm tuyệt đối sử dụng thuốc lá điện tử

Tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, hiến kế để Chính phủ có giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập, nếu không sẽ tiếp tục kéo dài trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, cần xem xét, đánh giá kỹ về những tác hại của thuốc lá điện tử và có giải pháp quản lý việc sử dụng mạng xã hội.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chủ tịch nước

Sáng 23/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chủ tịch nước. Chủ tịch nước đề nghị cán bộ, nhân viên Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục làm tốt công việc theo nhiệm vụ, vị trí được phân công; đồng thời mong muốn nhận được những ý kiến tham mưu, đề xuất để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục