Chiều 12/12, chủ trì họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách Xám (danh sách rà soát tăng cường). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.


Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền phát biểu.

Thúc đẩy các hành động

 

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Đoàn kiểm tra của FATF cũng đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cần phải thúc đẩy để hoàn thành các hành động, nỗ lực hết sức để ra khỏi danh sách này.

Cho ý kiến về việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý tài sản ảo; sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền…, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo hoàn thiện tổ thư ký giúp việc để làm việc với các bộ, ngành. Những vấn đề nào chưa đầy đủ phải có công văn gửi ngay các bộ, ngành, yêu cầu báo cáo thực hiện.

Các bộ, ngành khẩn trương ưu tiên nguồn lực triển khai kế hoạch hành động đã cam kết với FATF; quan tâm đến chế độ thông tin báo cáo để có báo cáo đầy đủ và sinh động; thông báo kết quả triển khai thực hiện và đề xuất hỗ trợ kỹ thuật với Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) 3 tháng/lần và đột xuất khi được yêu cầu thông qua Ngân hàng Nhà nước - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần bố trí cán bộ chuyên trách, có thẩm quyền để triển khai và tổng hợp việc triển khai các hành động, xây dựng báo cáo tiến triển. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm rà soát lại thông tin, có văn bản đôn đốc, những thông tin nào thiếu có văn bản yêu cầu bổ sung dữ liệu ngay.

 

Liên quan đến hành động các bộ, ngành chủ trì, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành chủ động nghiên cứu khuyến nghị của FATF, phương pháp luận của các khuyến nghị, yêu cầu của Nhóm đánh giá chung FATF/APG, và các tài liệu đã được Ngân hàng Nhà nước gửi để tổ chức triển khai và xây dựng báo cáo gửi FATF/APG. Đồng thời, có cơ chế xử lý nhanh trong nội bộ những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và đề xuất các cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế đối với các vấn đề vượt chức năng, nhiệm vụ trong triển khai Kế hoạch hành động quốc gia.

 

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tổng hợp thông tin của các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ 3 tháng/lần. Trường hợp có yêu cầu đột xuất phải báo cáo ngay. Sớm kết nối với các quốc gia đã vào và ra khỏi Danh sách Xám để tổ chức các buổi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về các nội dung có liên quan.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành bố trí nguồn lực có chất lượng thực hiện biên dịch các tài liệu chuyên ngành của các bộ, ngành để đảm bảo tính chính xác, hiệu quả.

"Để FATF thấy được chúng ta rất nỗ lực thực hiện các khuyến nghị hành động, từ việc xây dựng các văn bản pháp luật đến chấp hành các quy định pháp luật. Ví dụ chúng ta đã triển khai trên thực tế khởi tố và điều tra về tội rửa tiền, trên thực tế có những vụ án đã thu hồi tài sản từ nước ngoài”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

 

 

FATF đang xem xét đưa Việt Nam vào Danh sách Đen

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực thực hiện vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Sau khi đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền đối với Việt Nam kết thúc năm 2019 và có kết quả vào tháng 1/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 941/QĐ-TTg).

Khi FATF chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách Xám (tháng 6/2023), Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

 

 

Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia quốc tế của APG để xây dựng đề cương báo cáo nhằm giúp các bộ, ngành nắm được tổng thể, yêu cầu cung cấp thông tin cho từng hành động; có phương án thu thập thông tin, số liệu xuyên suốt, kế thừa; bám sát yêu cầu của Nhóm đánh giá chung (JG). Đồng thời, trao đổi với đại diện của APG, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để đề nghị hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia và cách thức xây dựng Báo cáo tiến triển (FATF/APG yêu cầu 3 tháng báo cáo một lần).

Đến kỳ Báo cáo tiến triển lần thứ 2 (PR2) - tháng 9/2024, có 8/17 hành động đã hết hạn. Mặc dù đã có những nỗ lực nhất định, nhưng theo đánh giá của Nhóm JG, Việt Nam có 16/17 hành động "chưa hoàn thành”, 1 hành động "hoàn thành một phần”. Với tiến triển hạn chế nêu trên, APG đã thông báo FATF đang xem xét đưa Việt Nam vào Danh sách các nước phải áp dụng biện pháp đối kháng của FATF (Danh sách Đen).

Ngân hàng Nhà nước vừa tổng hợp và gửi Báo cáo PR3 cho FATF vào ngày 25/11. Qua công tác tổng hợp, xây dựng Báo cáo, hầu hết các bộ, ngành chưa cung cấp được thông tin theo đề cương do Ngân hàng Nhà nước xây dựng. Tiến triển trong kỳ Báo cáo này còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhóm đánh giá chung.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận về các nội dung liên quan đến công tác phối hợp, triển khai thực hiện các hành động cam kết với FATF; công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phố biến pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; học tập, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

 



Theo Baotintuc

Các tin khác


Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Bộ Công an

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đã tới thăm và làm việc với Bộ Công an.

Họp Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

Sáng 11/12, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các thành viên BCĐ.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại tướng David Petraeus

Chiều 10/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại tướng David Petraeus, đồng sở hữu Quỹ KKR kiêm Chủ tịch Viện Toàn cầu của Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR), Hoa Kỳ.

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2024).

Họp Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của tỉnh

Chiều 9/12, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp Ban Chỉ đạo của tỉnh về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; cho ý kiến định hướng, phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh.

Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7/12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục