Trong các Kỳ họp của Quốc hội khoá XV, Kỳ họp thứ 8 có số lượng luật được thông qua lớn nhất, bằng 29,5% (18/61) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế
mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.
Cụ thể, trong Kỳ họp,
Quốc hội đã thông qua 18 luật và 21 nghị quyết. Các văn bản này góp phần quan
trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục
điểm nghẽn, điều chỉnh các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con
người và phục vụ phát triển đất nước.
Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp
Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí
thư Tô Lâm nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó
chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà
nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi
nguồn lực để phát triển…; "Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì
giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều
hành”; "Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết,
địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…
Có thể thấy, quá trình tiếp thu, chỉnh ký các dự án luật, nghị quyết, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm
tra rà soát, thống nhất đưa ra khoải dự thảo luật nghị quyết những quy định cụ
thể thuộc thầm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Đối với những vấn đề còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì trong
luật, nghị quyết chỉ quy định mang tính khung, nguyên tắc, còn lại giao quy
định chi tiết tại các văn bản dưới luật để bảo đảm tính ổn định, giá trị lâu
dài của luật, phù hợp với thực tiền.
Theo đó, nhiều dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể số
lượng các chương, điều, khoản so với dự thảo trình ban đầu, như Luật Công chứng
(sửa đối) giảm 2 chương, 3 điều, Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều, Luật Đầu
tư công (sửa đổi) giảm 9 điều, Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn giảm 6
điều...
Việc đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng pháp luật đã góp phần đẩy nhanh tiến
độ ban hành luật kịp thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo linh hoạt cho
Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành
nhưng đồng thời cũng đòi hỏi các cơ quan của Chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn do
số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc
hội cần được Chính phủ, các Bộ trưởng và chính quyền địa phương ban hành tăng
lên khá lớn.
Ví dụ, Luật Điện lực có 97 nội dung, Luật Địa chất và khoảng sản có 85 nội
dung, Luật Di sản văn hoá có 46 nội dung, Luật Công chứng có 44 nội dung… cần
quy định chi tiết.
Về hiệu lực thi hành, các luật, nghị quyết cơ bản hiệu lực thi hành từ ngày
1/7/2025; tuy nhiên, một số luật, nghị quyết có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần
sớm hơn như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quận đội nhân
dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/12/2024 (đã có hiệu lực được 2 tháng); Bốn
luật, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, gồm Luật sửa 9 luật;
Luật Đầu tư công; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản
trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị
quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; một
số nội dung của 2 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm
y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Luật sửa 4 luật, một số nội dung của Luật Địa chất và khoáng sản có hiệu lực từ
ngày 15/1/2025; Luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/2/2025; Nghị quyết của Quốc
hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận
quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 1/4/2025.
Hoàn thành sớm các văn bản quy định chi tiết
Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, với đặc thù
về số lượng lớn nội dung cần ban hành văn bản quy định chi tiết và thời điểm có
hiệu lực khẩn trương của các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8,
khối lượng công việc cần phải thực hiện là rất lớn, tăng hơn rất nhiều so với trước
đây, thời gian triển khai lại ngắn để sớm đưa pháp luật vào cuộc sống, kịp thời
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị
quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi
tiết.
Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống
chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ
máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2/2025,
đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số
lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ
9.
Nêu ví dụ, một số luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có luật đã có hiệu lực
thi hành, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân
dân Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024), theo quyết định của Thủ
tướng Chính phủ thì phải ban hành 9 văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, đến
thời điểm trung tuần tháng 12/2024, các vản bản quy định chi tiết đều chưa được
ban hành. Luật Điện lực có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, có tới 97 nội dung cần
được quy định chi tiết…
Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, do số lượng văn bản, nội dung cần ban hành quy
định tiết thi hành luật, nghị quyết tăng lên rất nhiều cho nên cần phải có giải
pháp mang tính "cách mạng", đổi mới mạnh mẽ cách thức soạn thảo, phối
hợp lấy ý kiến, thẩm định, xem xét, ban hành thì mới có thế hoàn thành đúng
tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Mới đây, đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi
hành các luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV,
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân,
các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong
việc khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các luật, nghị
quyết của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp tình
hình địa phương; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi
hành pháp luật và giám sát việc thực hiện để các luật, nghị quyết nhanh chóng
đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả kiến tạo phát triển, góp phần tháo gỡ khó
khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc
hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn
của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ nghiêm Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình ban hành văn bản quy định chi
tiết, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm
quyền ban hành 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông
qua tại Kỳ họp thứ 8 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết; đặc
biệt lưu ý các luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, 1/1/2025,
15/1/2025, 1/2/2025 và 1/4/2025 để tránh tạo khoảng trống pháp lý, bảo đảm việc
thi hành luật được thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp triển khai thi hành pháp luật, Thủ tướng
nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt
chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo
đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết, tạo điều
kiện thuận lợi cho việc thi hành sau khi được thông qua…
Trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực
tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối
với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ động phổ biến giáo
dục pháp luật cho nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp; vận động các tầng lớp
nhân dân thực hiện luật, nghị quyết nghiêm túc, hiệu quả; tăng cường hoạt động
giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên
quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp.
Theo Baotintuc