Nông dân xã Hợp Kim (Kim Bôi) chuyển diện tích lúa bị hạn sang trồng ngô.
(HBĐT) - Giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng cao như hiện nay ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Ở tỉnh ta, 80% dân số hoạt động sản xuất nông nghiệp và sống ở khu vực nông thôn. Người nông dân vừa là những người trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản, vừa là những người tiêu dùng.
Việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa sẽ góp phần ổn định thị trường lương thực, thực phẩm. Từ nguồn thu nhập này, nông dân cũng có thêm điều kiện để giảm thiểu những tác động tiêu cực của tăng giá những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu khác. Đồng thời, tạo tảng ổn định xã hội khi người dân tự đảm bảo được an ninh lương thực, tự sản xuất được thực phẩm. Trong thời điểm lạm phát, hàng hóa thiết lập mặt bằng giá mới đặt ra nhiều thách thức khi giá vật tư, phân bón, chi phí sản xuất cao nhưng cũng có những cơ hội cho người nông dân.
Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh về nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Sở đã triển khai đến toàn ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tập trung sản xuất nông sản hàng hóa thế mạnh của địa phương như: cam, mía, chè, rau hữu cơ, rau su su sạch, tỏi tía… Kết hợp mô hình lấy ngắn nuôi dài, tự đảm bảo được lương thực, thực phẩm ở các địa bàn vùng sâu, xa. Mặt khác, Sở đề nghị UBND tỉnh không đình giãn những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sở cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong năm, tổng kinh phí dự kiến tiết kiệm trên 1 tỉ đồng. Các đơn vị tạm dừng trang bị mới thiết bị văn phòng, giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, nhiên liệu và hội nghị, hội thảo.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Các đơn vị trong ngành đã đưa kết quả tiết kiệm 10% chi tiêu công vào chỉ tiêu thi đua hàng tháng và cả năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, Sở chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích nhân dân sản xuất và dùng giống nông hộ. Những diện tích lúa năng suất thấp, bấp bênh chuyển sang trồng các loại cây có giá trị khác. Tiêu biểu như đưa mía xuống ruộng, trồng ngô, lạc, đậu tương thay thế như tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi. Trong kế hoạch diện tích cấy lúa gần 15.000 ha, toàn tỉnh đã chuyển được gần 1.000 ha. Khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, dự án tham gia trồng rừng với mục tiêu trồng mới 8.000 ha. Trong chăn nuôi tập trung khôi phục đàn gia súc bị thiệt hại do rét đậm, rét hại. Sở đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ mỗi con trâu, bò bị chết 1 triệu đồng. Tổ chức khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, nhất là khu vực hồ Hòa Bình khi thủy điện Sơn La đã tích nước ổn định. Coi trọng công tác phòng-chống dịch bệnh, không để lây lan. Đến nay, toàn tỉnh phát triển được trên 200 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động KN-KL, bảo vệ thực vật. Phối hợp với các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, bảo đảm sản xuất kịp thời, an toàn và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với 11 xã làm điểm để rút kinh nghiệm chung. Công tác lập quy hoạch cũng đã được thực hiện với 70% số xã. Đồng bào nghèo vùng khó khăn cũng được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thông qua lồng ghép nhiều chương trình, dự án. Với mục tiêu hướng về cơ sở, lãnh đạo Sở và các đơn vị tích cực về các địa phương nắm tình hình để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Về xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) những ngày trung tuần tháng 4, bên cạnh những ruộng lúa xanh mướt là những ruộng mía đang vươn dóng. Chị Bùi Thị Sưởi, ở xóm Chiềng 3 cho biết: Gia đình cấy 1.200 m2, trong đó, chủ yếu là giống nông hộ. Cũng trên diện tích này chỉ trong 3 tháng vụ đông, chị trồng khoai tây trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng. Nhiều gia đình khác cùng trồng khoai tây, dưa chuột, xe ô tô từ TPHB, Hà Nội về tận ruộng thu mua. Ông Bùi Đức Òm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vụ chiêm - xuân năm nay, xã đã chuyển 12 ha bị hạn sang trồng mía, ngô, lạc, đậu côve. Với thành công trong dồn điền - đổi thửa, xã đã tích cực chỉ đạo nhân dân đầu tư thâm canh, xây dựng nhiều mô hình thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/ha. Nắm bắt được nhu cầu rau xanh của thành phố, gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở tổ 21, phường Hữu nghị (TPHB) đã dành trên 1.000 m2 để trồng rau cần. Mỗi tháng gánh ra chợ Tân Thịnh bán, anh cũng thu về 4 triệu đồng. Rau trồng tại vườn tươi và sạch hơn rau từ Hải Dương, Phú Thọ chở lên nên bán được giá cao, khách ưa thích hơn. Giá rau tăng cao, người nông dân cũng có được nguồn thu nhập đáng kể.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh ta vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Ý thức sản xuất hàng hóa của nông dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nông dân đã tiếp cận được thị trường, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, an ninh lương thực được đảm bảo. Những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của nông dân cung ứng ra thị trường cũng như tự đảm bảo tiêu dùng đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Cẩm Lệ