(HBĐT) - Trong gần 1 tháng qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm người dân trong tỉnh đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm để tích trữ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc, tuyên truyền kịp thời của các cơ quan chức năng, thị trường hàng hoá trên địa bàn đã giữ được ổn định. Người dân hiện tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của các đơn vị, doanh nghiệp trong vấn đề đảm bảo cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, đời sống hàng ngày của nhân dân.
Siêu thị Hoàng Sơn, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) luôn có đầy đủ mặt hàng cung cấp cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Ngay sau khi có thông tin công bố chính thức về ca nhiễm virus Covid-19 đầu tiên trên bàn TP Hà Nội, tình hình thị trường cung cầu hàng hóa tại tỉnh Hòa Bình (nhất là tại TP Hòa Bình) đã có diễn biến bất thường so với thời điểm trước đó. Từ sáng ngày 7/3, hoạt động mua sắm diễn ra khá tấp nập, do một số người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh có thể diễn biến xấu nên đã đi mua hàng tích trữ, ngoài ra có một số gia đình mua hàng với số lượng lớn để gửi cho người thân ở Hà Nội.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm phân phối, mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh lượng hàng hóa bán tăng đột biến gấp 3-4 lần so với thường ngày, chủ yếu tập chung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý và các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, một số mặt hàng bị đẩy giá như: gạo tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, thịt tươi sống tăng từ 10.000 - 20.000đ/kg. Rau, củ, quả tăng từ 1,5-2 lần; các mặt hàng hoa quả: cam, bưởi, xoài, thanh long... tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg do nhu cầu nhân dân tăng cường bổ sung các loại hoa quả cung cấp vitamin nâng cao đề kháng phòng, chống dịch.
Giá rau củ quả và các loại thịt tăng không phải do thiếu nguồn cung mà vì tiểu thương thấy người dân đổ xô đi mua hàng, lượng cầu tăng đột biến nên đã tự ý tăng giá, gây bất ổn thị trường.
Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, trước tình hình thị trường có diễn biến bất thường tại TP Hòa Bình, Sở Công Thương đã phối hợp làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, điểm phân phối, mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa, có kế hoạch dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, thực hiện bình ổn giá cả, không được tự ý tăng giá gây rối loạn thị trường. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường công tác phòng, chống dịch như: bố trí các điểm rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn phục vụ khách thăm quan, mua sắm; 100% nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay thường xuyên sau khi giao dịch với khách hàng. Các trung tâm thương mại có dịch vụ nhà hàng, khách sạn đều được bố trí máy đo thân nhiệt để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, Sở Công Thương yêu cầu Phòng Kinh tế - hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt hoạt động kinh doanh tại hệ thống các cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình cung -cầu, giá cả, tâm lý tiêu dùng của người dân, đặc biệt khi xảy ra tình huống bất thường phải kịp thời báo cáo về Sở để tìm hướng tháo gỡ; phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến gây rối loạn thị trường…
Tại các huyện, tình hình thị trường không có nhiều đột biến như địa bàn thành phố, hoạt động mua bán cơ bản diễn ra bình thường, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, do đặc thù địa bàn các huyện lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt phần lớn vẫn là tự cung tự cấp tại chỗ, nên hiện tượng mua hàng tích trữ không xảy ra, nguồn cung hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đến sáng 8/3, tình hình thị trường dần ổn định trở lại, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TP Hòa Bình không còn tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ. Khảo sát tại một số chợ truyền thống cho thấy giá rau xanh, củ quả, thịt lợn, gia cầm, bò, thủy sản... đã trở lại bình thường. Tại siêu thị, trung tâm thương mại hàng hóa được bày bán trên kệ đầy đủ, nhiều mặt hàng được hỗ trợ khuyến mại giảm giá (tại siêu thị Vinmart).
Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ được tăng gấp 4-5 lần. Hệ thống siêu thị Vinmart, chuỗi cửa Vinmart + cam kết dự trữ đầy đủ hàng hóa đáp ứng đủ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân...; siêu thị Anh Kỳ, Vì Hòa Bình và các điểm phân phối, mua sắm của Công ty CP đầu tư Sơn Anh lượng hàng hóa tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối... Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu người dân.
Cho dù có những thời điểm người dân tỏ ra hết sức lo lắng về nhu yếu phẩm, nhưng trong thời gian qua cũng như hiện nay, tại các cửa hàng, đại lý, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, nguồn cung hàng hóa đảm bảo ổn định, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Hồng Trung
(HBĐT) - Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người nộp thuế thuận lợi trong việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), từ ngày 1 - 30/3/2020, Cục Thuế Hòa Bình triển khai "Tháng đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2019” (gọi tắt là tháng đồng hành cùng người nộp thuế).
Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp ngay khi dự thảo Nghị định về về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.
(HBĐT) - Với chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế, những năm qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) của tỉnh đã được nâng tầm, góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nền kinh tế của tỉnh từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nguồn nhân lực, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường; môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện.
(HBĐT) - Nhằm góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, vụ xuân năm nay, huyện Cao Phong chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng với đa dạng các loại cây cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm này, các địa phương trong huyện tiếp tục gieo trồng một số loại cây màu và tập trung chăm sóc các diện tích lúa, cây màu đã gieo trồng đúng khung thời vụ.
(HBĐT) - Thành phố Hòa Bình hiện có trên 990 lồng nuôi cá. Trong tháng 2, ước tính sản lượng cá thu hoạch đạt 104 tấn, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 16,8%. Trong đó, sản lượng cá nuôi trồng đạt 81 tấn, so với cùng kỳ tăng 28%; nguyên nhân tăng sản lượng cá nuôi là do sản lượng cá lồng cho thu hoạch cao. Ngoài ra, sản lượng cá khai thác đạt 23 tấn, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,05 %.
(HBĐT) - Sau khi huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào TP Hòa Bình, nhằm tiếp tục tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có ưu thế về nguyên liệu, thị trường.