(HBĐT) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Để chủ động nguồn nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ngành NN&PTNT tỉnh đã và đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường.
Từ đầu niên vụ này, các nông hộ, HTX trồng bưởi đỏ trên địa bàn huyện Tân Lạc đã quan tâm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tăng cường dự báo thị trường... đảm bảo có đủ sản phẩm phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Năm nay, giá bưởi đỏ khá ổn định, bởi chất lượng quả tốt, mẫu mã bao bì sản phẩm được các nhà vườn quan tâm cải tiến. Ông Phạm Văn Hồi, hộ trồng bưởi ở khu Tân Phong, thị trấn Mãn Đức cho biết: Gia đình có tổng diện tích trồng bưởi đỏ khoảng 2.600 ha, đã bước vào thu hoạch năm thứ 9. Từ đầu vụ đến nay, nhiều tư thương ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đã tìm đến thu mua tại vườn. Gia đình tôi chăm sóc cây trồng hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng và hương vị đã được nhiều khách hàng kiểm chứng. Dù vậy, để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết, tất cả bưởi của gia đình trước khi xuất bán đều được dán tem có kèm mã QR code. Dự kiến từ nay đến hết năm, gia đình sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1 vạn quả bưởi đỏ Tân Lạc.
Bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, ngành NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch sản phẩm nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ. Hiện tại, các địa phương tích cực chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, thu hoạch diện tích cây trồng vụ đông; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, dự trữ thức ăn, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết lạnh giá kéo dài. Đồng thời, có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản nắm bắt tình hình thị trường, chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm của Nhân dân.
Dự kiến năm 2022, sản lượng các loại nông sản đều cao, có loại tăng so với cùng kỳ năm trước, do đó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong thời gian tới. Cụ thể, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) diện tích kinh doanh có 7.429 ha, sản lượng ước đạt 166,7 nghìn tấn; sản lượng rau các loại trên 100 vạn tấn; sản lượng lúa, gạo đạt 217 nghìn tấn. Trong tỉnh có tổng đàn trâu trên 114.570 con; đàn bò trên 87.900 con; đàn lợn trên 476.120 con, đàn gia cầm 9,1 triệu con. Sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng ước tính, thịt trâu đạt 4.118 tấn (tăng 8% so với cùng kỳ); thịt bò 3.521 tấn (tăng 13,2%); thịt lợn hơi 64.313 tấn (tăng 0,9%); thịt gia cầm 26.512 tấn (tăng 5,4%); sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 12,17 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 2.020 tấn, nuôi trồng ước đạt 10.150 tấn...
Đối với xuất khẩu nông sản, mục tiêu tăng 10% so với năm 2021. Trong năm, đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức, tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021. Hàng hóa xuất khẩu gồm các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, rau, củ, quả, măng, sắn, dong riềng, chè và nông sản tươi... tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 518,65 tỷ đồng; tổng khối lượng sản xuất, sơ chế và chế biến ước tính 48.027 tấn (tăng 19,17% so với năm 2021), tổng doanh thu ước đạt 1.240,8 tỷ đồng, tăng 24,35% so với năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản cho biết: Cùng với hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nông dân tiêu thụ nông sản để đảm bảo chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng kịp thời, ngành NN&PTNT tiếp tục chú trọng hỗ trợ chứng nhận chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho các đơn vị, HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn, góp phần đưa sản phẩm nông sản của tỉnh được tiêu thụ tại nhiều thị trường hơn. Trong năm, đã có 147 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ. Có 21 mã số vùng trồng và 9 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu được cấp, tập trung vào các sản phẩm nhãn, chuối, thanh long, bưởi với tổng diện tích 168,73 ha để xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc và thị trường EU...
Thu Hằng