Nhằm giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư, phát triển, đa dạng hóa các loại hình vận tải công cộng. Thay vì chỉ có xe buýt sử dụng xăng – dầu đơn thuần, Hà Nội đã đưa vào vận hành thêm các loại hình phương tiện đường sắt đô thị, xe buýt sử dụng khí nén – CNG, xe buýt điện tăng sự lựa chọn cho người dân.
Phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá tại Hà Nội từ ngày 1/7/2024. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của xe buýt trong nỗ lực chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô, mỗi năm, Hà Nội đã phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá cho 132 tuyến buýt với 2034 xe đang hoạt động. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2019 là 857,4 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020 - 2022 khoảng hơn 670 tỷ đồng. Năm 2023 chi phí trợ giá cho xe buýt dự kiến là khoảng 2.754 tỷ đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2014.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau 10 năm giá vé xe buýt chưa được điều chỉnh đã gây áp lực lớn cho việc cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để trợ giá, khi các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… tăng cao so với trước đây. Giá vé xe buýt hiện tương đối thấp so với khả năng chi trả cho việc đi lại của người dân. Trong khi đó chi phí vận hành 1km cho xe buýt hiện nay tăng khoảng 48% so với năm 2014.
Từ thực tế trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình UBND thành phố Hà Nội phương án tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/7/2024. Theo đề xuất này, giá vé xe buýt lượt cự ly dưới 15 km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng; từ 15 km đến dưới 25 km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng; từ 25 km đến dưới 30 km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng; từ 30 km đến dưới 40 km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng và từ 40 km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng. Vé tháng sẽ có mức tăng trung bình lên tới 40%. Riêng, người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Trước đề xuất trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giá vé xe buýt, giảm trợ giá là cần thiết nhưng mức tăng cần phù hợp. Bên cạnh đó, tăng giá vé xe buýt thì chất lượng phục vụ của xe buýt cũng phải thay đổi thì mới thu hút được nhiều người bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang phương tiện vận tải công cộng, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cũng vừa giao Sở Giao thông Vận tải rà soát, báo cáo rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc đề xuất mức tăng giá vé xe buýt, đặc biệt là các loại vé/tuyến có mức tăng lên đến 55% giá vé.
Là hành khách tuyến xe buýt 36 Linh Đàm – Yên Phụ, chị Hà Thanh, một cư dân Linh Đàm ủng hộ việc điều chỉnh giá vé xe buýt, nhưng chị Hà Thanh cho rằng, chất lượng phục vụ của xe buýt hiện nay còn nhiều tồn tại, cần phải nâng cao cả chất lượng phương tiện cũng như chất lượng phục vụ mới đáp ứng được yêu cầu. "Nhu cầu của người dân Khu đô thị Linh Đàm sử dụng tuyến buýt 36 lên trung tâm thành phố để đi làm rất cao. Trước đây, tần suất xe đáp ứng được, nhưng hiện nay có lúc tôi phải chờ gần 1 tiếng mới bắt được xe, chưa kể phương tiện tăng cường nên chất lượng rất kém, nhiều lúc xe rung lắc, ngồi trên xe mà tiếng ken két nhức cả đầu. Cứ thế này tôi e rằng nhiều hành khách lại bỏ tuyến để đi xe máy”, chị Hà Thanh chia sẻ.
Đã vài lần bắt xe buýt số 107 lên Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (huyện Thạch Thất), ông Nguyễn Công (Thái Bình) cho biết, có lần lên tuyến buýt này vào mùa hè như tra tấn vì không có điều hòa, mà xe lại chạy đường dài, mồ hôi vã ra như tắm. "Tăng giá vé xe buýt thì chất lượng phải thế nào, chứ xe cũ, không có điểu hòa, thì thả bỏ thêm tiền chung nhau thuê ô tô đi, chứ đi xe buýt kiểu này mất hết hứng thú”, ông Nguyễn Công phàn nàn.
Để "xanh hóa” mạng lưới xe buýt, theo kế hoạch, đến năm 2025, 100% xe buýt tại Hà Nội được thay thế, đầu tư mới sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Hiện xe buýt điện của VinBus là phương tiện xe buýt được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay, được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, theo bà Đoàn Cảnh (quận Thanh Xuân), phương tiện này cần được cải tiến thêm vì gầm xe hơi thấp và không phù hợp cho người hay bị say xe. "Có lần sang khu đô thị Ocean Park bằng xe buýt điện của VinBus tôi đã phải xuống xe giữa đường vì say xe không chịu nổi, trong khi đi xe buýt truyền thống thì tôi lại không như vậy. Tăng giá vé xe buýt, chất lượng phương tiện cũng cần được cải tiến ngày càng hoàn hảo hơn”, bà Đoàn Cảnh đề nghị.
Đồng tình với đề xuất tăng giá vé xe buýt vì giá giá vé hiện nay đã lạc hậu, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng cần điều chỉnh sao cho chi phí đi lại không vượt quá 10% thu nhập của người dân. "Để phát triển vận tải hành khách công cộng, trong lần điều chỉnh giá vé này cần thiết phải nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách ưu tiên về hạ tầng, hệ thống nhà chờ, điểm dừng thuận lợi; nâng được tốc độ, tính đúng giờ, an toàn và thiết lập mạng lưới tuyến hợp lý để cố gắng đến mức thấp nhất việc hành khách phải chuyển tuyến nhiều lần và chờ đợi lâu… mới có thể thu hút được người dân đi xe buýt", ông Nguyễn Trọng Thông cho hay.
Thời gian qua, vận tải hành khách công cộng đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là xe buýt điện và đường sắt đô thị thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng làm phương tiện đi lại hàng ngày, thay thế cho ô tô, xe máy. Được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11/2021, đến nay, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển hơn 25 triệu lượt hành khách. Lượng hành khách mới và hành khách sử dụng vé tháng tăng mạnh theo từng năm.
Bên cạnh đó, sản lượng hành khách của xe buýt cũng phục hồi sau thời gian sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID – 19. Năm 2023, xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã vận hành hơn 3,8 triệu lượt xe, vận chuyển trên 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022. Sản lượng khách vận chuyển ước đạt 58% sản lượng toàn mạng. 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đi xe buýt theo lượt đã tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, các tuyến xe buýt tại Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã vận chuyển được 118 triệu lượt khách.
Theo Baotintuc.vn
Sáu tháng đầu năm nay, nền kinh tế của tỉnh Hoà Bình trên đà phục hồi với những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi cần tiếp thêm động lực để tăng trưởng mạnh mẽ hơn, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2024.
Do ảnh hưởng của mưa lớn từ chiều 15/7 đến sáng 16/7 đã gây thiệt hại trên địa bàn huyện Lạc Sơn, chủ yếu về nhà ở, giao thông và sản xuất. Cụ thể, về nhà cửa có 4 hộ dân ở xã Quý Hoà, 1 hộ dân ở xã Mỹ Thành bị đất đá sạt lở làm hư hỏng nhà và vùi lấp một số tài sản, giá trị thiệt hại ước 850 triệu đồng. Tại 2 xã Quý Hoà, Tân Lập xảy ra ngập úng ảnh hưởng đến hơn 18 ha lúa mới cấy và hoa màu, thiệt hại trên 400 triệu đồng.
Ngày 16/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1147/UBND-KTN yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động các biện pháp ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16/7, tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức hoạt động kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm với chủ đề "Phụ nữ hội nhập phát triển kinh tế bền vững”. Tới dự có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Hội LHPN 20 tỉnh phía Bắc; đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ, đơn vị sản xuất sản phẩm trong tỉnh, TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An.
Ngày 16/7, Hội Nông dân huyện Lạc Sơn phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức khai trương cửa hàng nông sản an toàn Mơ Đức Hòa Bình.
Nguyễn Văn Toàn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh
Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nguồn vốn "phủ” khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách nhanh chóng được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.