Đến với các xã vùng hồ thuộc huyện Đà Bắc, du khách thích thú trải nghiệm chèo thuyền kayak và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt.
Trưởng xóm Hà Mạnh Điềm chia sẻ: Nhờ linh hoạt lồng ghép các nguồn lực nên KT-XH xóm Ké có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con được nâng cao. Riêng về lĩnh vực du lịch, xóm được ưu tiên lựa chọn là nơi tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với đầu tư nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, nhờ đó dần trở thành điểm sáng trong bức tranh du lịch huyện nhà.
Những năm gần đây, huyện Đà Bắc chú trọng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch. Ngoài ra, đây cũng là địa phương thu hút được nhiều chương trình, dự án với đa dạng nguồn lực đầu tư. Theo UBND huyện, nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được tập trung vào các công trình điện, giao thông, cơ sở giáo dục, hồ đập, kênh mương, trụ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp. Còn sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp thì ưu tiên các dự án du lịch và lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư từ nguồn vốn NSNN đạt trên 1.500 tỷ đồng; vốn tài trợ từ các tổ chức trong nước là 10,5 tỷ đồng. Đặc biệt, các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 có kế hoạch vốn từ năm 2022 - 2024 triển khai trên địa bàn huyện khoảng 476 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện có khoảng 20 dự án vốn ngoài NSNN được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào địa bàn với tổng vốn đăng ký trên 1.850 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện còn có 3 dự án hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ tiếp tục hoạt động với số vốn cam kết tài trợ giai đoạn 2019 - 2024 khoảng 1,9 triệu USD...
Với đa dạng nguồn lực đầu tư, huyện Đà Bắc xác định vấn đề quan trọng là sử dụng hiệu quả trên cơ sở lồng ghép nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KT-XH, trọng tâm là đầu tư vào vùng ĐBDTTS. Các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm… được ưu tiên triển khai hướng vào vùng DTTS&MN, từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực. Nổi bật nhất là sự đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng - "điểm nghẽn” cần gỡ bỏ để thúc đẩy KT-XH địa phương. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, thị trấn có trạm y tế; 61,7% trường học đạt chuẩn quốc gia; 99,9% hộ được sử dụng điện; 90% hộ vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS không ngừng được cải thiện.
Đặc biệt, nhờ lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án nên kết quả giảm nghèo của huyện đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,22% năm 2019, xuống còn 18,62% vào cuối năm 2021 (trung bình mỗi năm giảm 5,3%). Giai đoạn 2021 - 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tổng số hộ nghèo năm 2021 là 6.092 hộ, tỷ lệ 41,56%; đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo còn 3.796 hộ, tỷ lệ 25,77% (trung bình mỗi năm giảm 7,89%). Với đà hiện có, huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 22,76%.
Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc trao đổi: ĐBDTTS trong huyện nói chung và vùng đặc biệt khó khăn nói riêng đã được hưởng lợi từ các CTMTQG và nhiều chương trình, chính sách đầu tư quan trọng khác, như chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn đi học, chính sách về bảo hiểm y tế cho người DTTS, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội... Các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng ĐBDTTS&MN đã góp phần phát triển KT-XH địa phương một cách toàn diện, tạo sức mạnh để huyện thoát nghèo và từng bước phát triển bền vững. Đặc biệt, điều quan trọng là góp phần tạo niềm tin của ĐBDTTS vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó, các dân tộc huyện Đà Bắc cùng đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, đóng góp xây dựng quê hương đổi mới.
Khánh An
Gia đình ông Bùi Văn Theng ở xóm Đon, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc có hơn 3.000m2 đất vườn. Đây là diện tích gia đình trông vào để có thu nhập hàng năm. Từ nhiều năm trước, gia đình ông trồng mía tím và mía trắng. Đây là cây trồng truyền thống ở xã Mỹ Hòa. Việc đầu tư trồng mía ngoài công lao động của gia đình thì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài cửa hàng. Không có vốn đầu tư thì tiền mua phải tính lãi cao, đến cuối năm bán mía trả. Mía được tiêu thụ qua các tiểu thương về Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Năm ít có mía bán thì giá cao. Năm nhiều người lao vào trồng giá lại rẻ. Có năm không bán được phải chặt bỏ hoặc bán rẻ. Những lúc như thế chỉ ôm cây mía khóc ròng cho một năm trời lao động vất vả.